Biện pháp này được đưa ra để cố gắng chấm dứt nhiều tháng biểu tình phản đối Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và hoàng gia Thái Lan.
Sắc lệnh tình hình khẩn cấp đã được dỡ bỏ từ 12h trưa 22/10.
"Tình trạng bạo lực dẫn đến việc ban bố sắc lệnh tình hình khẩn cấp đã giảm bớt, vì vậy, các quan chức chính phủ và cơ quan nhà nước có thể thực thi luật lệ bình thường", theo tuyên bố đăng trên tờ Royal Gazette, công báo của Thái Lan.
Sự cố cụ thể duy nhất dẫn đến lệnh cấm là việc đoàn xe của Hoàng hậu Suthida bị những người biểu tình cản trở và chế nhạo ngày 14/10. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra sau các cuộc biểu tình lớn phản đối Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Vua Maha Vajiralongkorn.
Hôm 21/10, những người biểu tình đã cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth thời hạn ba ngày để từ chức. Họ cũng nói chỉ rút lại sắc lệnh tình hình khẩn cấp thôi vẫn chưa đủ.
|
Patsaravalee "Mind" Tanakitvibulpon trong một cuộc biểu tình chống chính phủ vào ngày 21/10. Ảnh: Reuters. |
“Ông ấy vẫn đang tìm cách nắm quyền trong khi phớt lờ yêu cầu của người dân. Đáng lẽ không nên ban hành sắc lệnh khẩn cấp ngay từ đầu”, Sirawith “Ja New” Seritiwat, một trong những lãnh đạo của cuộc biểu tình, cho biết.
Hàng chục người biểu tình - bao gồm nhiều lãnh đạo biểu tình nổi tiếng nhất - đã bị bắt trong cuộc đàn áp.
Trong số đó có Patsaravalee “Mind” Tanakitvibulpon. Patsaravalee đã được thả vào ngày 22/10 sau khi bị bắt một ngày trước đó.
Patsaravalee, 25 tuổi, nói với các phóng viên sau khi được trả tự do rằng tòa án xem các cáo buộc không nghiêm trọng. Cô vẫn cần đến lớp học và tham gia các kỳ thi. Do đó, cô được phép tại ngoại mà không cần phải nộp cam kết.
Những người biểu tình nói ông Prayuth đã gian lận trong cuộc bầu cử vào năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Thủ tướng Prayuth đã nắm quyền từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Ông Prayuth tuyên bố cuộc bầu cử diễn ra công bằng.
Những người biểu tình cũng cáo buộc chế độ quân chủ đã tạo điều kiện cho quân đội thống trị nhiều năm và họ muốn kiềm chế quyền lực của nhà vua Thái Lan.