Cuộc tấn công ở Paris có thể làm lu mờ các nỗ lực của những nhà lãnh đạo thế giới nhằm thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) tổ chức ở Manila, Philippines.
Tổng thống Mỹ Obama, các lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, … cùng 7.000 quan chức, các CEO đang có mặt ở Manila, Philippines để tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC khai mạc chính thức vào 17/11.
Tổng thống Nga Putin năm nay không tham dự Hội nghị cấp cao APEC do bận chỉ đạo điều tra vụ máy bay rơi ở bán đảo Sinai hôm 31/10. Thủ tướng Dmitry Medvedev là người đi thay ông Putin dịp này. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng sẽ không tham gia hội nghị lần này do bận giải quyết các vấn đề nội bộ.
Theo nhiều nhà quan sát, cuộc tấn công khủng bố ở Paris tối 13/11 làm ít nhất 129 người thiệt mạng gây ra một tình huống khó xử đối với các nhà lãnh đạo thế giới dự Diễn đàn APEC năm nay.
Đằng sau các cánh cửa khép kín, các nhà ngoại giao cấp cao có các quan điểm chia rẽ về việc có nên đưa ra một tuyên bố về vụ tấn công khủng bố ở Paris do phiến quân IS thực hiện hay để mỗi lãnh đạo thế giới tự đưa ra quan điểm về vụ này. Theo nhiều nguồn tin, các đại diện dự APEC ở Manila đã thống nhất đưa ra một thỏa hiệp rằng, họ có thể sẽ đưa nội dung về chủ nghĩa khủng bố trong tuyên bố chung ở Hội nghị cấp cao APEC.
Một nhà ngoại giao ở Đông Nam Á cho biết, việc đề cập tới vụ tấn công khủng bố ở Paris trong tuyên bố chung có thể khiến dư luận thế giới đổ dồn sự chú ý về phiến quân IS mà làm lu mờ đi các chương trình nghị sự chính ở APEC lần này.
Nhà ngoại giao này cho biết, nước Mỹ muốn đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về cuộc tấn công ở Paris nhân dịp trên và rằng, phản ứng của APEC trước loạt tấn công đẫm máu ở Pháp hôm 13/11 có thể thay đổi khi các lãnh đạo gặp nhau.
Trước đó, các nhà lãnh đạo APEC đã ra tuyên bố chung ở Thượng Hải hồi tháng 10/2001 nhằm lên án các vụ tấn công ở Mỹ xảy ra một tháng trước và cam kết cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Một trong các vấn đề có khả năng làm nóng hội trường APEC lần này đó là vấn đề tranh chấp Biển Đông. Trước khi diễn ra sự kiện này, nước chủ nhà Philippines khẳng định, vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Dẫu rằng vậy, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose cho biết, vấn đề Biển Đông có thể tác động một cách tiêu cực tới an ninh, kinh tế của các thành viên APEC. Theo ông Jose, nó có thể trở thành vấn đề thảo luận không thể tránh khỏi giữa các lãnh đạo APEC trong các cuộc họp quy mô nhỏ hoặc song phương.
Bên cạnh các phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị APEC từ 18-19/11 ở Manila, nhiều cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Philippines Aquino hay Tổng thống Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.