Theo Reuters, số người tử vong vì COVID-19 ở Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã lên tới 10.612 trường hợp, sau khi có 737 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua.
Con số này có giảm so với hơn 900 ca tử vong mỗi ngày trong 2 ngày trước đó, nhưng nó đánh dấu cột mốc 10.000 ca tử vong bị vượt qua. Như vậy, Anh là quốc gia thứ 5 cán mốc này sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Giáo sư Jeremy Farrar, giám đốc của quỹ Welcome Trust và là một chuyên gia dịch tễ học của Nhóm Cố vấn Khoa học trong Trường hợp khẩn cấp (SAGE), cho rằng số liệu tử vong trong những ngày gần đây cho thấy nước Anh đang đối diện tình hình tương tự như các quốc gia châu Âu khác.
Trả lời đài BBC, ông Farrar cho rằng nước Anh "có thể" là quốc gia châu Âu có nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất.
|
Các nhân viên y tế đưa một bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào bệnh viện ở London. Ảnh: Getty. |
"Các con số ở Anh vẫn tiếp tục tăng. Tôi rất hy vọng rằng chúng ta đang đến gần thời điểm mà những con số đó sẽ giảm. Nhưng đúng là, Anh có thể sẽ trở thành một trong nước bị ảnh hưởng nặng nhất, nếu không muốn nói là nặng nhất châu Âu", ông Farrar nói.
Ông Farrar coi Đức là một ví dụ điển hình về quốc gia có tỷ lệ người nhiễm cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp, vì đã xét nghiệm trên diện rộng ở quy mô lớn, tiếp tục làm điều đó và cách ly người nhiễm để tạo điều kiện điều trị người bị bệnh nặng.
"Bằng việc cô lập những người dương tính với virus, những người đó sẽ không thể lây nhiễm cho người khác", ông Farrar nhận định.
Trong khi Anh đang tính đến trường hợp nới lỏng các lệnh giới nghiêm, ông Farrar cho rằng việc xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng là cách để Đức có thêm thời gian xử lý cuộc khủng hoảng. Đức đã có thêm từ 6 đến 8 tuần để đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hết công suất.
Kỷ lục tử vong trong 1 ngày ở Anh là 980 trường hợp hôm 10/4, cao hơn cả kỷ lục của Italy và Tây Ban Nha trong những ngày đỉnh điểm của dịch bệnh ở 2 nước này.
Pháp cũng ghi nhận hơn 1.000 trường hợp tử vong một ngày, nhưng không giống như Anh, Pháp ghi nhận cả những trường hợp tử vong trong viện dưỡng lão, trong khi Anh chỉ ghi nhận những ca tử vong trong bệnh viện.
Hồi tháng 3, một đội các nhà nghiên cứu từ Imperial College London đã mô phỏng và giả lập các kịch bản COVID-19 tại Anh, và cho rằng số người tử vong vì virus có thể lên tới 260.000 trường hợp nếu không có các biện pháp cách ly xã hội. Sau khi các biện pháp phong toả được thực hiện, họ cho rằng số người tử vong sẽ giảm xuống còn 20.000.
Trong một diễn biến khác, Italy ngày 12/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ ngày 19/3 tới nay. Số ca nhiễm mới cũng giảm từ 4.694 của ngày 11/4 xuống còn 4.092.
Với các số liệu mới này, số ca tử vong ghi nhận của Italy kể từ khi dịch bùng phát (ngày 21/2) ở nước này là 19.899, cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tổng số ca nhiễm được xác nhận là 156.363, thứ ba thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha.
Hiện có 3.343 người đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, giảm từ con số 3.381 của ngày trước đó và là ngày giảm thứ chín liên tiếp.