Ngày 1/4, các nghị sĩ do quân đội chỉ định tại Quốc hội Myanmar cho biết kế hoạch tăng cường quyền lực cho bà Aung San Suu Kyi với vai trò cố vấn đặc biệt của nhà nước sẽ là vi hiến.
|
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD tới tham dự phiên họp Quốc hội ở Naypyidaw ngày 28/3. |
Phản ứng trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ dân sự mới nhậm chức vừa trình dự luật về vấn đề trên lên hai viện của Quốc hội xem xét.
Trong một dấu hiệu chứng tỏ sự bất đồng giữa đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD - cầm quyền) và lực lượng quân đội vốn vẫn có tầm ảnh hưởng lớn, tại cuộc thảo luận ở Thượng viện ngày 1/4, các nghị sĩ thuộc quân đội khẳng định việc bổ nhiệm bà Suu Kyi làm "cố vấn nhà nước" là trái hiến pháp. Đại tá Myint Swe bày tỏ lo ngại kế hoạch của chính phủ mới sẽ đặt "Tổng thống ngang hàng với cố vấn nhà nước, và điều này là vi hiến". Ông Myint Swe kêu gọi sửa đổi dự luật trên cho phù hợp với hiến pháp hiện hành.
Một nghị sĩ khác của quân đội, Đại tá Hla Win Aung cũng phản đối việc chỉ định đích danh bà Suu Kyi trong dự thảo luật trên, đồng thời cảnh báo việc này có thể "phá vỡ" cán cân quyền lực giữa cơ quan hành pháp - lập pháp - tư pháp mà hiến pháp quy định.
Hiện quân đội đang giữ 1/4 số ghế trong Quốc hội Myanmar. Vì NLD chiếm đa số ghế trong Quốc hội, dự luật trên đã được Thượng viện thông qua ngay trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên. Theo luật định, văn bản này sẽ còn phải được Hạ viện thông qua và sau đó cần được cả hai viện phê chuẩn trong một phiên họp toàn thể trước khi trở thành luật.
Myanmar vốn do quân đội kiểm soát trong hơn nửa thế kỷ qua, cho tới khi bà San Suu Kyi và NLD của bà lên nắm quyền hôm 30/3, sau chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2015. Bà đã từng khẳng định sẽ lãnh đạo đất nước bất chấp Hiến pháp cấm bà trở thành Tổng thống. Theo Thượng nghị sĩ Khin Maung Myint (Khin Ma-ung Min) của NLD, vị trí được đề xuất cho bà Suu Kyi chính là "cấp trên của tổng thống", đúng với tuyên bố trước đó của nữ chính khách này rằng bà sẽ cầm quyền từ vị trí "ở trên tổng thống". Ông Maung Myint cũng khẳng định dự luật trên chắc chắn sẽ được hai viện của Quốc hội Myanmar do NLD kiểm soát, thông qua.
Nếu dự luật trên được thông qua, nữ Chủ tịch 70 tuổi của NLD sẽ đóng vai trò chỉ đạo Quốc hội, bên cạnh việc nắm giữ 4 Bộ quan trọng trong Nội các mới, gồm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng.
Video về cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar tháng 11/2015 (Nguồn Vietnam Plus):