Phương Tây nói gì về cái chết của thủ lĩnh Hamas?

Google News

Các quan chức cấp cao Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ý bày tỏ hy vọng về việc chấm dứt xung đột sau khi Israel tuyên bố loại bỏ thủ lĩnh Hamas - Yahya Sinwar ở Dải Gaza.

Phuong Tay noi gi ve cai chet cua thu linh Hamas?

Một người ủng hộ Palestine cầm ảnh lãnh đạo Hamas. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thông báo về cái chết của ông Yahya Sinwar hôm 17/10, sau khi xác nhận danh tính thông qua xét nghiệm ADN.

"Hôm nay là một ngày tốt lành cho Israel, cho Mỹ và cho thế giới", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, theo Nhà Trắng. Ông Biden cho biết, cái chết của Sinwar "một lần nữa chứng minh rằng không ai có thể thoát khỏi công lý, dù mất bao lâu".

Ông so sánh việc loại bỏ Sinwar với vụ Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden năm 2011, cho biết ông sẽ sớm liên lạc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về các cách chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, vì ông Sinwar "không còn tồn tại" như một trở ngại đối với tương lai hậu Hamas ở Dải Gaza.

Tổng thống Biden tiết lộ, Mỹ đã "sát cánh" với Israel để giúp xác định vị trí, theo dõi Sinwar cùng các thủ lĩnh Hamas khác ở Dải Gaza.

Bình luận về vụ việc, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết "công lý đã được thực thi". Bà cũng đồng tình với phát biểu của Tổng thống Biden về việc đây là "cơ hội để cuối cùng chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza" mà không có Hamas nắm quyền.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Sinwar là "người chịu trách nhiệm chính cho cuộc tấn công ngày 7/10/2023", và yêu cầu Hamas thả tất cả các con tin đang bị giam giữ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cáo buộc ông Sinwar "muốn hủy diệt Israel", kêu gọi Hamas đầu hàng để chấm dứt nỗi thống khổ của người dân ở Dải Gaza.

"Tôi hy vọng rằng sự biến mất của thủ lĩnh Hamas sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza", Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Taiani cho biết. Ông mô tả vụ ám sát Sinwar là hành động "tự vệ chống lại Hamas" của Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey gọi vụ tấn công của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái là "ngày đen tối và chết chóc nhất đối với người Do Thái kể từ Thế chiến thứ hai". Nó làm bùng phát "cuộc xung đột kéo dài hơn một năm, và mức độ thương vong không thể chấp nhận được của dân thường Palestine".

Israel đã tuyên chiến với Hamas sau khi phong trào này khiến khoảng 1.100 người thiệt mạng và bắt cóc khoảng 250 người trong cuộc tấn công vào Israel tháng 10 năm ngoái. Các hoạt động trên bộ và trên không của Israel đã gây ra sự tàn phá ở Dải Gaza. Theo các cơ quan y tế địa phương, khoảng 42.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng tại vùng đất Palestine này.

Ông Sinwar (62 tuổi) là một trong những thủ lĩnh Hamas ở Dải Gaza từ đầu năm 2017. Ông trở thành người đứng đầu cánh chính trị của phong trào này từ tháng 8, kế nhiệm thủ lĩnh Ismail Haniyeh sau khi ông Haniyeh bị ám sát tại Tehran.

Israel chưa nhận trách nhiệm về vụ ám sát, nhưng xác nhận đã loại bỏ các chỉ huy cấp cao khác của Hamas, bao gồm phó lãnh đạo phong trào Saleh al-Arouri, và Mohammed Deif - chỉ huy quân sự của phong trào.

Theo Minh Hạnh/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)