Theo báo Nhật Bản Nikkei, công ty China Harbor Engineering đã giành được một hợp đồng dự án cải tạo lô đất trị giá 1 tỷ USD nhằm mở rộng khu phức hợp Mall of Asia của tập đoàn bất động sản SM Prime Holdings ở Manila. Việc xây dựng đã được "bật đèn xanh" triển khai vào năm tới.
Công ty này hiện là một trong nhóm các doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc đang thực hiện ít nhất 5 dự án khai hoang đất ở vịnh Manila. Một khi các dự án được hoàn thành Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Manila sẽ nằm trọn vẹn trong vòng vây các dự án.
|
Bản vẽ thiết kế đảo nhân tạo Vịnh Ngọc New York do công ty China Communications Construction giám sát xây dựng. Ảnh: UAA Kinming Group Development. |
Theo Alexander Pomento – Phó Chủ tịch quan hệ đầu tư của SM Prime Holdings, China Harbour sẽ hợp tác với một công ty Hà Lan là Royal Boskalis Westminster trong dự án bồi đắp đảo nhân tạo diện tích 360 hecta nêu trên.
China Harbour Engineering, trước đó từng dính vào một vụ bê bối hối lộ liên quan đến dự án đường cao tốc Bangladesh năm ngoái, là công ty con của công ty cơ sở hạ tầng khổng lồ China Communications Construction Co. (CCCC).
“Công ty đã chốt phương án lựa chọn cố vấn và các nhà thầu từ những công ty có uy tín trong lĩnh vực khai hoang và nạo vét để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ và quy trình”, Chủ tịch SM Prime Jeffrey Lim ngày 6/12 cho hay.
Trong khi các hoạt động quân sự trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông khiến quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng, thì Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như không muốn nghiêm trọng hóa vấn đề để muốn xích lại gần Bắc Kinh và giảm phụ thuộc vào Washington.
Các đảo nhân tạo bồi đắp quanh thủ đô Manila sẽ là nơi xây dựng hàng loạt trung tâm thương mại mới, khách sạn, tổ hợp văn phòng và khu phức hợp giải trí. SM Prime cho biết dự án Mall of Asia, được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013, đã nhận được "thông báo tiến hành" chính thức từ chính quyền địa phương thành phố Pasay. Công việc cải tạo dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng ba năm, với cần thêm hai năm nữa để phát triển.
Năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã cấm công ty mẹ CCCC của China Harbour và tất cả các đơn vị của họ tham gia các dự án đường bộ do ngân hàng hỗ trợ trong 8 năm vì bị cáo buộc có "hành vi gian lận" trong một dự án đường bộ trước đó ở Philippines. Công ty đã bác bỏ cáo buộc và hiện tìm cách trở lại với cớ xây dựng cơ sở hạ tầng tại xứ sở vạn đảo.