Sắc lệnh được ban hành ngay sau khi Crimea công bố kết quả trưng cầu dân ý hôm 16/3 với 97% cử tri ủng hộ đồng ý tách khỏi
Ukraine và sáp nhập vào Nga và có hiệu lực ngay sau khi ký.
Nội dung sắc lệnh có đoạn: "Cân nhắc tới nguyện vọng mà người dân Crimea bày tỏ trong cuộc trưng cầu dân ý toàn Crimea ngày 16/3, tôi tuyên bố Cộng hòa Crimea, nơi thành phố Sevastopol hưởng qui chế đặc biệt, được công nhận là một nước độc lập và có chủ quyền".
|
Tổng thống Nga Putin đã đặt bút ký sắc lệnh công nhận Crimea là quốc gia độc lập ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý của khu vực được công bố.
|
Hội đồng tối cao nước Cộng hòa Crimea cũng đã thông qua văn kiện tuyên bố Crimea là quốc gia độc lập, đề nghị được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác công nhận, đồng thời đệ đơn xin gia nhập Liên bang Nga.
Quyết định này đã gây nên làn sóng phản đối từ Mỹ và phương Tây, mở đường cho
các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow và các quan chức Nga, Crimea, thậm chí không loại trừ cả Tổng thống Putin
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vẫn khăng khăng tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là bất hợp pháp và áp đặt trừng phạt đối với 21 quan chức Nga và Ukraine bao gồm Thủ tướng Crimea, Sergei Aksyonov và Chủ tịch Quốc hội Vladimir Konstantinov. Danh sách các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Washington sẵn sàng trừng phạt mạnh hơn nữa tùy thuộc vào động thái leo thang căng thẳng của Nga tại Ukraine.
Reuters đưa tin, được hỏi về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành mục tiêu trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết chính quyền Mỹ không loại trừ bất cứ quan chức Nga nào.
Trả lời báo giới, ông Carney nêu rõ: "Có quyền áp đặt trừng phạt tới một loạt cá nhân và thực thể khác nhau, chúng tôi sẽ không loại trừ các cá nhân hay hành động nào".