Mỹ, Philippines "bắt tay" duy trì tự do hàng hải ĐNA

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ và Philippines vừa tuyên bố duy trì tự do hàng hải tại Đông Nam Á bất chấp các tranh chấp lãnh thổ trên biển ngày càng leo thang.

 Hải quân Mỹ và Philippines tập trận chung.
Tư lệnh quân đội 2 nước đưa ra cam kết này tại Mỹ cuối tuần này trong cuộc đàm phán song phương về việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines.
"Chúng tôi chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, các hoạt động thương mại hợp pháp tự do cũng như vận chuyển người và hàng hóa thông qua các vùng biển", thông báo chung của Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, Đại tướng Emmanuel Bautista và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Martin Dempsey nhấn mạnh.
"Chúng tôi quyết tâm... tăng cường môi trường an ninh tại khu vực Đông Nam Á để bảo vệ lợi ích của tất cả những ai coi trọng việc thương mại tự do quá cảnh qua các vùng lãnh hải. Đồng thời, chúng tôi quyết tâm ngăn chặn tất cả những kẻ rắp tâm ngăn chặn hoặc có hành vi đe dọa các hoạt động thương mại tự do", tuyên bố chung Mỹ-Philippines viết.
Philippines được cho là đang tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và chính trị từ Mỹ trong nỗ lực bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ trên vùng Biển Đông trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh hải với láng giềng khu vực.
Theo đó, đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh hải trong khu vực, Đại tướng Emmanuel Bautista và Tướng Martin Dempsey đều kêu gọi cho “một phương pháp tiếp cận dựa trên luật pháp (trong khuôn khổ luật pháp quốc tế) với các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải”.
Dù tuyên bố chung của 2 lãnh đạo quân đội hàng đầu của Mỹ và Philippines không đề cấp đến Trung Quốc, nhưng Manila hơn một lần từng cáo buộc Bắc Kinh đang đe dọa hòa bình châu Á và thương mại hàng hải tự do thông qua tuyên bố chủ quyền vô lý và nực cười đối với gần như toàn bộ Biển Đông của họ, bao gồm các khu vực gần bờ biển của Philippines.
Trong khi đó, dù là đồng minh ruột của Philippines trong khu vực, Mỹ nhiều lần khẳng định quan điểm trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp. Song, gần đây, Washington đang tỏ ra sốt sắng tìm cách để đặt lại “dấu chân quân sự” trên đất Philippines kể từ năm 1951. Đây được xem là một phần trong chiến lược “xoay trục” về châu Á của Tổng thống Obama.
"Chúng tôi kỳ vọng quan hệ đối tác an ninh cân bằng, ổn định và mạnh mẽ ... thông qua các cuộc tập trận, huấn luyện, đào tạo cũng như các hoạt động quân sự chung nhờ sự hiện diện tạm thời và luân phiên tăng cường của quân đội Mỹ ở Philippines, bắt nguồn từ các lợi ích chung của 2 bên”, tướng Martin Dempsey nói.
Trước đó, Philippines từng là nhà của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ tại 2 căn cứ quân sự gần thủ đô Manila. Tuy nhiên, sau đó quân đội Mỹ buộc phải rút đi vào năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines bỏ phiếu đồng thuận chấm dứt hợp đồng cho Lầu Năm góc thuê các căn cứ trên. Chỉ có một hiệp định chung được ký năm 1999 cho phép quân đội Mỹ quay trở lại Philippines tham gia các cuộc tập trận chung thường niên giữa quân đội 2 nước.
Ngoài ra, Lực lượng đặc nhiệm Mỹ được phép hoạt động luân phiên xuyên suốt miền nam Philippines từ năm 2002 để giúp huấn luyện, đào tạo các binh sĩ địa phương chiến đấu chống lại nhóm chiến binh Hồi giáo.
Đàm phán Mỹ-Philippines về việc mở rộng và tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Philippines đã bắt đầu từ ngày 14/8 và tiếp tục diễn ra trước cuối tháng này.
Bạch Dương (Theo Channel News Asia)

Bình luận(0)