Lệnh ngừng bắn ở Syria được công bố một ngày sau vụ đánh bom đẫm máu nhất ở quốc gia Trung Đông này trong suốt 5 năm chiến sự, giết chết 134 người, chủ yếu là thường dân. Trong tuyên bố chung, Nga và Mỹ cho rằng ngừng bắn không được áp dụng với lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm phiến quân Al-Nusra Front có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
|
Xe bọc thép của quân đội Syria gần thủ đô Damascus. |
Bản tuyên bố nêu rõ, các bên tham gia chiến đấu trên thực địa ở Syria phải xưng danh cho Nga hoặc Mỹ trước ngày 27/2. Phe đối lập Syria và các bên khác buộc phải chấp thuận cho phép viện trợ nhân đạo “nhanh chóng, không bị cản trở và lâu dài” tới các vùng bị cô lập.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận và gọi nó là “tín hiệu của hy vọng được mong chờ từ lâu”. Ông Ban cũng kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận mới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ gặp mặt trong “những ngày tới” để bàn về các điều khoản của thoản thuận ngừng bắn vừa đạt được, Ngoại trưởng John Kerry xác nhận.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 22/2 tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên ở Syria sẽ được tổ chức vào ngày 13/4. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Nga và Mỹ công bố kế hoạch ngừng bắn ở Syria. Trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra năm 2012, 250 thành viên được bầu chủ yếu là thành viên đảng Baath trung thành với nhà lãnh đạo Syria.
Trải qua 5 năm xung đột, hơn 260.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria. Hàng triệu thường dân ở quốc gia này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nhiều người chết trong hành trình tìm tới miền đất hứa, vốn là các nước phát triển hơn tại châu Âu.