“Tôi đã kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố bởi nghị định 13660”, ông Obama tuyên bố. Nghị định 13660 được công bố vào ngày 6/3/2014, đánh dấu lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp trong quan hệ với Nga, hãng tin RIA Novosti cho biết.
Theo như ông Obama, các biện pháp trừng phạt sẽ còn hiệu lực khi nào vẫn còn “mối nguy hiểm tiềm tàng tới các chính sách an ninh và ngoại giao của Mỹ”. Mối nguy này là “quan điểm chính trị và những kẻ đã làm suy yếu quá trình dân chủ ở Ukraine, đã đe dọa đến hòa bình, an ninh, sự ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Obama cho hay.
|
Tổng thống Mỹ - Barack Obama quyết định gia hạn thêm 1 năm các lệnh trừng phạt Nga
|
Do đó, các lệnh trừng phạt chống Nga đã được áp đặt lên Nga hồi năm 2014, bao gồm cả những lệnh trừng phạt kinh tế mới nhất nhằm vào Crimea vào tháng 12/2014, sẽ được gia hạn thêm một năm.
Trước đó, Ngoại trưởng John Kerry đã cho biết Mỹ đã chuẩn bị những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Cùng lúc đó, cũng theo ông John Kerry, Mỹ có thể sẽ sử dụng những hành động trực tiếp “nếu những hành động đáp trả là cần thiết”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố, Mỹ đang cố gắng kéo dư luận ra khỏi việc thực hiện thỏa thuận Minsk ở khu vực Donbass.
Ông Lavrov cũng cho biết các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại các quốc gia khác sẽ dẫn tới những tiêu cực trong các mối quan hệ quốc tế, và nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế cần được đưa ra chỉ với sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Vào tháng 9/2014, châu Âu và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga về các lĩnh vực như tài chính, dầu khí và công nghiệp quốc phòng mặc dù các thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Ukraine và lực lượng dân quân khu vực Donbass.
Để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt, Nga đã cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga như Mỹ, các thành viên châu Âu, Canada, Australia, và Na Uy.