Theo đó, Quốc hội Mỹ cảnh báo, với tính cách liều lĩnh, táo bạo như vậy, ông Kim Jong-un có thể khởi động các hành động khiêu khích và không thể đoán trước trong tương lai.
Những quan ngại trên xuất hiện trong báo cáo mang tên: “Triều Tiên: Tình hình nội bộ, chính sách hạt nhân và các quan hệ với Mỹ của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội.
Báo cáo trên cũng đưa ra các ý kiến trái chiều của giới phân tích về sự kiện thanh trừng ông Jang gây chấn động đối với cộng đồng quốc tế. Một số người cho rằng, vụ thanh trừng chính là dấu hiệu cho thấy quyền lực của thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Triều Tiên vẫn còn yếu.
Ngược lại, những người khác cho rằng, việc “loại bỏ” ông Jang, từng là một trong 7 nguyên lão hỗ trợ ông Kim Jong-un trong suốt quá trình chuyển giao quyền lực sau cái chết đột ngột của cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il phản ánh sự tự tin của nhà lãnh đạo trẻ trong việc giải quyết quốc sự.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
|
Ngoài ra, báo cáo này còn nhấn mạnh, Triều Tiên có thể đối mặt với tình trạng bất ổn nội bộ sau khi ông Jang, chú rể của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng được mệnh danh là người đàn ông quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên bị thanh trừng. Chưa kể, không chỉ riêng ông Jang bị xử tử, toàn bộ cộng sự thân tín, gia đình ông này cũng được cho là đã bị “giải quyết”.
Trên thực tế, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il phải mất tới khoảng hai thập kỷ để “thực tập” qua nhiều vị trí trước khi lên nắm quyền tối cao còn ông Jong-un lại gần như không có kinh nghiệm lãnh đạo. Điều này dẫn đến những lo ngại về sự ổn định của chế độ Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích, thông qua việc thanh trừng, thay thế các quan chức hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực bằng những người tuyệt đối trung thành, nhà lãnh đạo trẻ đã thắt chặt sự kiểm soát đối với các cấp dưới của mình. Tuy nhiên, ông Kim vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế yếu kém kéo dài của đất nước. Đây chính là một phần nguồn gốc gây bất ổn.
Cuối cùng, báo cáo của Quốc hội Mỹ lưu ý, việc thiếu hiểu biết về Triều Tiên kết hợp với bản chất khó lường, không thể đoán trước của chế độ Bình Nhưỡng đặt ra “thách thức to lớn” cho việc hoạch định chính sách của Washington. Các chuyên gia cho rằng, mối bận tâm lớn nhất của Washington chính là sự khó lường, không thể đoán trước của Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân. Điều này đặt ra thách thức an ninh cho Washington để bảo vệ lục địa Mỹ cũng như các đồng minh trong khu vực.