Theo báo RT, phát biểu trước các phóng viên hôm 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết việc tẩy chay là "thứ Mỹ chắc chắn mong muốn thảo luận". Ông Price nói thêm, Washington sẽ tìm cách phối hợp bất kỳ hành động tẩy chay nào cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Nhiều nhóm hoạt động xã hội đang hối thúc Mỹ tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022. Một số nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng ủng hộ phong trào này. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz hồi tháng 2 thậm chí đã đệ trình Quốc hội Mỹ một nghị quyết đề nghị tẩy chay thế vận hội diễn ra tại thủ đô Trung Quốc vào năm sau.
|
Một người đàn ông đi qua tấm áp phích có in logo của Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022 ở thủ đô Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước đã ra một tuyên bố chung với Anh và Canada lên án Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền trước khi áp trừng phạt đối với 2 quan chức chính phủ Trung Quốc vì những cáo buộc như vậy.
Trong lịch sử, Mỹ mới chỉ một lần tẩy chay Olympic khi Moscow đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 1980. Giới quan sát nhận định, nếu không ra lệnh cho các vận động viên của mình ở nhà như từng làm vào năm 1980, Mỹ có thể đơn giản từ chối cử các quan chức chính phủ hoặc chức sắc tới các trận thi đấu ở Bắc Kinh, một quan điểm đã nhận được sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney.
Hồi tháng 3, phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc Guo Weimin từng tuyên bố, việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 là "một nỗ lực gây rối và phá hoại" thế vận hội. Bắc Kinh tin tưởng động thái "sẽ không giành được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và chắc chắn sẽ thất bại".
Dù chính quyền Biden quyết định ra sao, Olympic Bắc Kinh dự kiến sẽ chính thức khai mạc vào ngày 4/2/2022.