Vương quốc Anh bắt đầu bước vào giai đoạn quá độ Brexit từ 1/2/2020 cho đến ít nhất 31/12/2020, với thách thức to lớn là đạt được một thoả thuận mới trong 11 tháng để điều chỉnh mối quan hệ lâu dài với Liên minh Châu Âu (EU).
Ngày 27/1, tức 4 ngày trước khi Brexit có hiệu lực, một đội ngũ 40 chuyên gia trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, ngoại giao đã được chính phủ Anh tập hợp trong một nhóm mới mang tên “Đội phản ứng nhanh châu Âu”. Đây sẽ là những nhân tố chủ chốt trong đội ngũ đàm phán do cố vấn cấp cao của Thủ tướng Anh, David Frost dẫn đầu, với mục tiêu là đạt được một thoả thuận mới nhiều tham vọng với Liên minh Châu Âu trong giai đoạn hậu Brexit.
|
Có rất nhiều mô hình cho quan hệ Anh và EU hậu Brexit đang được đề cập, trong đó có cả mô hình Na Uy và mô hình Canada. Ảnh minh họa: DPA. |
Các ưu tiên đàm phán cụ thể sẽ được Thủ tướng Anh Boris Johnson hé lộ dần trong những ngày tới nhưng qua những gì thể hiện từ khi lên nắm quyền, kịch bản tốt nhất mà ông Johnson hướng tới là việc Vương quốc Anh vẫn giữ được quyền tiếp cận cao nhất với khối thị trường chung châu Âu, đồng thời vẫn giữ nguyên được chủ quyền và sự độc lập của mình trong việc kiểm soát biên giới và dòng người lao động từ châu Âu tràn về nước Anh.
Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán bên phía Liên minh Châu Âu, Michel Barnier đã sớm đưa ra cảnh báo: “Việc rời Liên minh Châu Âu và rời khối thị trường chung chắc chắn sẽ để lại hậu quả cho nước Anh và như những gì tôi thấy trong vài năm qua, rất nhiều hậu quả này đang bị phía Anh xem nhẹ hoặc không được giải thích một cách rõ ràng cho người dân Anh. Vì thế, bây giờ là lúc phải đối mặt với hiện thực và trở nên thực tế, đó là sẽ không có chuyện thương mại giữa Liên minh Châu Âu và Anh sẽ không bị sứt mẻ sau Brexit”.
Có rất nhiều mô hình đang được đề cập. Nếu ưu tiên việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ nhất có thể với Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh có thể lựa chọn mô hình Na Uy, tức không phải là thành viên Liên minh Châu Âu nhưng vẫn được quyền tiếp cận khối thị trường chung châu Âu với điều kiện tuân thủ các quy định của Châu Âu, trừ một vài lĩnh vực then chốt như nông nghiệp hay ngư nghiệp. Nhưng đây là việc khó xảy ra bởi như nhận định, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson không bằng mọi giá thực thi Brexit chỉ để sau đó lại vẫn chịu sự kiểm soát của Brussels.
Mô hình thứ hai nhiều khả năng được lựa chọn hơn, là mô hình Canada, tức một hiệp định tự do thương mại gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho hầu hết hàng hoá nhưng buộc phải kiểm tra xuất xứ ở biên giới, đồng thời cũng không bao gồm lĩnh vực dịch vụ.
Dù đi theo kịch bản nào, giới phân tích cũng cho rằng, việc giữ nguyên quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu như trước là bất khả thi với Vương quốc Anh và thủ đô tài chính London cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể từ việc bị tước bỏ “hộ chiếu tài chính”, tức quyền thực hiện các dịch vụ tài chính-ngân hàng trên lãnh thổ các nước Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh hậu Brexit không chỉ đem đến thiệt hại cho phía Anh mà mang lại cả lo lắng cho Liên minh Châu Âu. Quan điểm muốn dứt bỏ hoàn toàn với châu Âu để theo đuổi mô hình phát triển mới, đặc biệt về thương mại, mà chính phủ Anh đưa ra gần đây tạo sự bất an lớn cho châu Âu, do lo ngại nước Anh sẽ phá bỏ các tiêu chuẩn về môi trường, về lao động, về chất lượng sản phẩm… để tạo ưu thế cạnh tranh.
Đây sẽ là vấn đề gai góc nhất trong các đàm phán sắp tới, khi Liên minh Châu Âu đưa ra khái niệm “sân chơi bình đẳng”, buộc nước Anh không đưa ra các tiêu chuẩn thấp hơn châu Âu để lôi kéo các đối tác thương mại trên thế giới, tạo nên một vùng đất mà châu Âu đặt cho cái tên đầy e ngại là “Singapore trên sông Thames” ngay ở cửa ngõ châu Âu.