Lãnh đạo người Kurd từ chức, mở đường hòa giải với Baghdad

Google News

Lãnh đạo Khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq, Masoud Barzani thông báo ông sẽ từ chức sau ngày 1/11.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh khu vực đang đương đầu với những hậu quả từ cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây tranh cãi của người Kurd ở Iraq. Động thái này thúc đẩy hơn nữa cho các nỗ lực hòa giải giữa chính phủ Iraq và khu tự trị người Kurd sau khi khu tự trị này hứng chịu sự trả đũa về kinh tế, quân sự từ chính phủ Iraq cũng như một số nước trong khu vực.
Lanh dao nguoi Kurd tu chuc, mo duong hoa giai voi Baghdad
Nhà lãnh đạo Khu tự trị người Kurd Masoud Barzani. (Nguồn: waarmedia.com) 
Trong lá thư đọc tại cơ quan lập pháp của chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) ở thủ phủ Erbil, nhà lãnh đạo Khu tự trị người Kurd Masoud Barzani, 71 tuổi, tuyên bố ông sẽ sớm từ chức và khước từ bất cứ động thái gia hạn nhiệm kỳ nào. Phó chủ tịch cơ quan lập pháp khu tự trị người Kurd Jaafar Emniki thay mặt đọc lá thư của nhà lãnh đạo Masoud Barzani.
“Tôi từ chối tiếp tục cương vị người đứng đầu của khu vực sau ngày 1 tháng 11”, lá thư nêu rõ. “Quý vị không cần phải thay đổi luật về người đứng đầu hay gia hạn nhiệm kì. Tôi nhận thấy cơ quan lập pháp cần sớm triệu tập sớm để tìm người lãnh đạo hợp pháp khỏa lấp khoảng trống quyền lực và tôi sẽ tiếp tục phụng sự người Kurd, tiếp tục đấu tranh để giành lại quyền lợi cho người Kurd cũng như bảo toàn những thành qủa của người Kurd”.
Trong lá thư, ông Masoud Barzani vẫn cực lực bênh vực cho quyết định tiến hành cuộc trưng cầu độc lập hôm 25/9, cho rằng, đây là kết quả lịch sử và sẽ không bao giờ bị xóa nhòa. Ông chỉ trích rằng không có lực lượng nào bên ngoài khu tự trị ủng hộ quyền tự quyết của người Kurd.
Lên nắm quyền từ năm 2005, ông Masoud Barzani là kiến trúc sư của cuộc trưng cầu ý dân về độc lập hôm 25/9, một quyết định gây tác dụng ngược, không những đánh mất giấc mơ độc lập mà người Kurd đánh mất sự kiểm soát khu vực vào tay chính quyền Iraq cũng như châm ngòi cho cuộc khủng hoảng khu vực.
Khu vực người Kurd, hưởng quyền tự trị chưa từng có trong nhiều năm nay, đã rơi vào khủng hoảng do sự trả đũa về kinh tế, quân sự của chính phủ liên bang Baghdad.
Hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều ủng hộ các biện pháp của chính phủ Iraq trong đó có việc đóng cửa biên giới và ngừng giao thương với vùng tự trị này.
Ngày 20/10, chính phủ Iraq tuyên bố đã giành lại kiểm soát tất cả các khu vực tranh chấp ở miền Bắc nằm ngoài vùng tự trị người Kurd, trong đó có tỉnh Kirkuk nhiều dầu mỏ.
Việc mất quyền kiểm soát đối với các khu vực này đã giáng đòn nghiêm trọng vào nguồn tài chính của vùng tự trị, vốn chủ yếu dựa vào thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ ở Kirkuk, buộc chính quyền khu tự trị người Kurd không còn sự lựa chọn nào ngoài đề xuất “đối thoại” trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Trong tình trạng bị cô lập, mất quyền kiểm soát tỉnh Kirkuk, mâu thuẫn nội bộ đã đẩy chính quyền khu tự trị người Kurd bày tỏ sẵn sàng “đóng băng” kết quả cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vừa qua.
Sự kiện người đứng đầu khu tự trị người Kurd từ chức là bước đi nữa giúp tạo thuận lợi cho hòa giải giữa chính quyền khu tự trị người Kurd và chính phủ Iraq.
Một tín hiệu tích cực khác là ngày 29/10, vòng hai cuộc đối thoại đã diễn ra với nhiều tiến triển về việc kiểm soát các cửa khẩu.
Về mặt quân sự, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết sẽ cho phép triển khai lại các lực lượng Iraq dọc biên giới một cách hòa bình, theo đó sẽ áp đặt lại "đường xanh" năm 2003 giữa khu tự trị người Kurd với 3 tỉnh miền Bắc là Erbil, Dohuk và Sulaimaniyah.
Giới chuyên gia nhận định, đề nghị đối thoại từ chính quyền tự trị người Kurd là lựa chọn sáng suốt để giải quyết tình hình khu vực hiện nay, phù hợp với quan điểm từ đồng minh số một của cộng đồng này là Mỹ. Trước sự “xuống nước” của chính quyền khu tự trị người Kurd, Iran đã quyết định mở lại cửa khẩu biên giới, nới lỏng các lệnh ngừng giao thương với khu tự trị người Kurd./.
Theo Trần Nga/VOV-Trung tâm Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)