Trong bài viết được đăng tải hôm 10/2, nhà nghiên cứu Gao Hong của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc viết rằng: “Ông Abe và những người ủng hộ muốn ngợi ca quá khứ chủ nghĩa quân phiệt của Nhật và sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Mục đích cuối cùng của họ là để biến Nhật Bản trở thành một siêu cường quân sự”.
Chính sách “hòa bình chủ động” của ông Abe không nhằm mục đích nào khác ngoài việc nỗ lực loại bỏ các hạn chế quân sự vốn bị áp đặt bởi hiến pháp hòa bình. Để minh chứng cho nhận định trên của mình, ông Gao đưa ra một số ví dụ.
Đơn cử, chính phủ nước này đã cho đăng tải những bức ảnh chụp trong một máy bay tượng trưng cho cuộc chiến tranh sinh học của Nhật.
Hay, ông đề cập tới việc hô vang khẩu hiệu “Nhật hoàng muôn năm” mà các binh lính Nhật thường sử dụng thời Chiến tranh Thế giới 2. Đặc biệt, hành động tranh cãi của Thủ tướng Nhật còn diễn ra khi ông thăm đền Yakusuni, nơi thờ tự 14 tội phạm chiến tranh loại A.
“Ông Abe dần chuyển sang tư tưởng hữu khuynh khi cố gắng thu hút sự ủng hộ của tất cả các thành viên cánh hữu ở Nhật Bản. Việc chối bỏ thực tế lịch sử (gồm đền Yakusuni, nô lệ tình dục) và sửa đổi lịch sử trong sách giáo khoa đã tạo ra một môi trường để ông Abe có thể thực hiện tham vọng chính trị của mình”, ông Gao viết.
|
Học giả họ Gao cho biết: "Các âm mưu tội lỗi của ông Abe không thể làm gián đoạn tới tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc".
|
Đồng thời, học giả này cũng cảnh báo về một mối đe dọa ảnh hưởng tới nền hòa bình trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung nếu chính quyền của ông Shinzo không thay đổi quan điểm của họ. “Những mưu đồ tội lỗi của ông Abe sẽ không làm gián đoạn tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc hay ngăn chặn bước tiến của thế giới đối với hòa bình và thịnh vượng”.
Cuối cùng, học giả Trung Quốc này đưa ra nhận định: “Nếu ông Abe cùng với chính phủ của ông ta muốn lặp lại bi kịch, người đời sau sẽ nhớ họ với những tàn tích trong chính lịch sử đó”.