Hiểm họa mới từ COVID-19: Virus SARS-CoV-2 có khả năng “hồi sinh”?

Google News

Các ca “tái dương tính” với SARS-CoV-2 đặt ra những câu hỏi hóc búa cho các nhà khoa học và tạo ra thách thức mới với cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay.

Những kết quả phức tạp từ Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy một số bệnh nhân đã hồi phục nhưng sau đó tái dương tính với SARS-CoV-2. Thực tế này có thể khiến chúng ta phải cân nhắc lại về những chiến lược chống dịch COVID-19 đang được chấp nhận rộng rãi hiện nay như đóng cửa đất nước hay nghiên cứu vaccine.
Hiem hoa moi tu COVID-19: Virus SARS-CoV-2 co kha nang “hoi sinh”?
 Một nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kiểm tra một người đi ô tô qua tại Daegu, Hàn Quốc ngày 3/3/2020. Ảnh: Reuters.
Sau khi 51 bệnh nhân mắc Covid-19 đã hồi phục tái dương tính với virus SARS-CoV-2, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã tiến hành một cuộc điều tra xem liệu những người này bị tái nhiễm hay virus SARS-CoV-2 đã hoạt động trở lại.
"Mặc dù chúng tôi đang thiên về khả năng virus trên hoạt động trở lại nhưng chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu toàn diện về vấn đề này", Tổng giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong nhận định trên Bloomberg.
Trong khi tái nhiễm đã là một vấn đề nan giải thì virus tái hoạt động ở người đã hồi phục lại là một khía cạnh phức tạp hơn. Ngoài việc đặt câu hỏi về hệ miễn dịch hồi phục như thế nào sau khi dương tính với virus SARS-CoV-2 thì hiện tượng trên còn tạo một thách thức nghiêm trọng với những chiến lược làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 trên thế giới hiện nay.
Nếu khả năng cao là virus SARS-CoV-2 có khả năng tái hoạt động ở những bệnh nhân mắc Covid-19 đã được chữa khỏi thì điều đó tức là thời gian cách ly sẽ kéo dài lâu hơn, đồng thời trì hoãn thêm việc mở cửa trở lại các doanh nghiệp hay các địa điểm công cộng.
Một thông tin phức tạp hơn từ phía Trung Quốc, nơi ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên từ cuối tháng 12/2019 là đội ngũ các nhà khoa học tại Đại học Fudan sau khi phân tích mẫu máu từ 175 bệnh nhân được xuất viện ở Thượng Hải đã phát hiện ra rằng, 1/3 trong số này có mức độ các kháng thể "thấp bất ngờ" và trong ít nhất 10 trường hợp thậm chí còn không có kháng thể nào cả.
"Liệu những bệnh nhân này có nguy cơ cao bị tái nhiễm hay không vẫn cần được xem xét thêm trong các nghiên cứu khác", các nhà khoa học này cho biết trong một bài báo khoa học sơ bộ công bố hôm 6/4. Mặc dù vẫn chưa được các nhà khoa học khác đánh giá nhưng các tác giả của bài báo này cho biết họ đã tiến hành một cuộc khảo sát có hệ thống đầu tiên trên thế giới về mức độ kháng thể trong các bệnh nhân mắc Covid-19 đã hồi phục.
Tất cả những người được khảo sát trong nghiên cứu trên đều hồi phục sau khi mắc các triệu chứng nhẹ của bệnh dịch Covid-19 và hầu hết những người có mức độ kháng thể thấp đều vẫn còn trẻ, trong nhóm có độ tuổi từ 15 - 39.
Trái lại, nhóm tuổi từ 60 -85 lại có mức độ kháng thể cao gấp 3 lần, các nhà khoa học cho biết.
Nếu một số bệnh nhân không sản sinh ra kháng thể, điều đó có thể là một thách thức nguy hiểm với cả phương pháp tìm ra vaccine và "miễn dịch cộng đồng" trong cuộc chiến với Covid-19.
Tất cả những phát hiện trên đã cho thấy vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn về loại virus đã khiến 95.000 tử vong trên thế giới này mà chúng ta không biết.
Giữa bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 hiện nay, việc trả lời những câu hỏi trên có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng thậm chí cả ở Trung Quốc, các nhà chức trách cũng không chắc chắn về việc những biện pháp đó sẽ có kết quả như thế nào trong thời gian dài.
"Ai biết được liệu dịch bệnh này có trở thành điều gì đó giống như cúm mùa hoặc trở thành một căn bệnh mãn tính như viêm gan B hay không, hoặc chỉ đơn giản là biến mất giống như dịch bệnh SARS?”, giáo sư Wang Chen - một cố vấn khoa học cấp cao của chính phủ Trung Quốc nhận định ngày 6/4.
Theo Kiều Anh/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)