Theo thông tin từ chính quyền, vụ việc xảy ra trên cây cầu số 1 bắc qua sông Dương Tử, phân chia huyện Hoàng Mai (thuộc thành phố Hoàng Cương của "tâm dịch" Covid-19 tỉnh Hồ Bắc) và thành phố Cửu Giang (thuộc tỉnh Giang Tây).
Báo chí địa phương dẫn lời các nhân chứng cho biết cảnh sát ở Cửu Giang đã lập chốt chặn trên cầu để ngăn người từ Hồ Bắc đi qua, theo South China Morning Post.
Video chia sẻ trên mạng cho thấy cảnh sát đứng thành hàng có khiên chống bạo động đẩy lùi đám đông, trong khi một số người dân đang đập phá, thậm chí lật xe cảnh sát.
|
Cảnh sát đụng độ với người dân ngày 27/3 trên cầu ngăn cách tỉnh Hồ Bắc và Giang Tây. Ảnh: Weibo. |
Bloomberg dẫn thông tin từ báo chí địa phương nói cuộc ẩu đả bắt đầu sáng ngày 27/3 khi cảnh sát hai tỉnh tranh cãi về việc làm thế nào để kiểm chứng những ai được phép qua cầu vào Giang Tây.
Một video cho thấy cảnh người từ Hồ Bắc yêu cầu cảnh sát Giang Tây xin lỗi vì đã lập chốt chặt ở ranh giới hai tỉnh. Trật tự được thiết lập lại trên cầu vào khoảng 17h cùng ngày, theo Beijing News.
Hai địa phương hai bên ranh giới ra thông cáo chung vào ngày 28/3 cho biết các chốt chặt sẽ được gỡ bỏ, và sẽ không cần giấy tờ để qua cầu.
Trong video do chính quyền Hoàng Cương công bố, Bí thư huyện Hoàng Mai Ma Yanzhou dùng loa nói nếu càng tụ tập, nguy cơ lây nhiễm virus sẽ càng tăng.
Vẫn chưa rõ cuộc ẩu đả bắt đầu như thế nào. Cảnh sát hai bên đều đăng lên mạng thông cáo kể lại câu chuyện khác nhau, nhưng các thông cáo đó nhanh chóng bị xóa.
|
Video cho thấy cảnh sát xếp hàng dùng khiên chống bạo động để đẩy lùi đám đông. Ảnh: Weibo. |
Cảnh sát Hồ Bắc nói cảnh sát Giang Tây phá vỡ thỏa thuận mà hai tỉnh đạt được, vượt qua ranh giới và đi vào địa phận huyện Hoàng Mai để kiểm tra xác nhận y tế và giấy phép đi lại của người dân, trước khi cho họ qua cầu.
Cảnh sát Giang Tây nói mọi chuyện bắt đầu khi một cảnh sát Hồ Bắc bị phát hiện đang cố ngăn người từ Hoàng Mai lên một xe buýt đã được sắp xếp trước để chở người đến bến tàu Cửu Giang.
Vụ việc trên báo hiệu khó khăn mà Trung Quốc phải vượt qua để trở về cuộc sống bình thường sau nhiều tháng phong tỏa vì Covid-19. Theo chỉ đạo của Bắc Kinh, từ ngày 25/3, những ai mắc kẹt ở Hồ Bắc được phép rời đi. Chỉ đạo này áp dụng cho cả thủ phủ Vũ Hán.
Tuy nhiên, vì huyện Hoàng Mai không có bến tàu riêng, nên nhiều người muốn qua cầu sang Cửu Giang, nơi có bến tàu.
|
Bí thư huyện Hoàng Mai nói việc tụ tập như vậy làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Ảnh: Weibo. |
Vấn đề trên cũng được Nhân dân Nhật báo, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thừa nhận. “Trong những ngày qua, mọi thành phần người dân đã kêu gọi các chính quyền tiếp nhận lao động từ Hồ Bắc... Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nhiều địa phương, vô tình hay cố ý, đã lập ra các rào cản ngăn lao động Hồ Bắc về với công việc, và có sự kỳ thị đối với họ”.
Trước đó, chính quyền Cửu Giang cho biết sẽ cho xe miễn phí chở người từ cầu tới bến tàu kể từ ngày 25/3. Từ 6-8h sáng ngày 27/3, hơn 1.000 người đã lên các chuyến xe này.
Tối ngày 27/3, chính quyền hai tỉnh ra tuyên bố chung cho biết họ đồng ý gỡ bỏ các rào cản đi lại, và công nhận việc chứng nhận y tế của cả hai bên.