Các du khách Trung Quốc tham gia chuyến du lịch phi pháp đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mới đây đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ với những hành động phá hoại môi trường cũng như ăn các loại động vật quý hiếm tại đây.
Một du khách tham gia chuyến du lịch mới đây tại Hoàng Sa đã đăng tải trên mạng các bức hình chụp cảnh một nhóm người Trung Quốc vơ vét các loại động vật biển quí hiếm, làm dấy lên lo ngại về hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại khu vực mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp của Việt Nam.
Nhóm du khách này khoe khoang họ đã tham gia lặn biển, đánh bắt và ăn các sinh vật biển, kể cả loại trai tai tượng vốn được bảo vệ bởi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Tác giả bài viết trên một diễn đàn của Trung Quốc còn ngang nhiên khoe dưới một bức hình chụp con trai tai tượng: “Trai tai tượng ăn sống là ngon nhất, chúng rất tuyệt khi ăn với mù tạc và nước tương”.
Những bức hình khác chụp cảnh các du khách chất những con sao biển, nhím biển trên thuyền và sờ tay vào các sinh vật biển trong lúc lặn. Các động vật biển đó rốt cuộc đã trở thành “mồi nhậu” của các du khách này.
|
Du khách Trung Quốc lặn bắt sinh vật biển ở Hoàng Sa. Ảnh: cmfish.com |
Trung Quốc vốn mở các chuyến du lịch phi pháp đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 4 năm nay. Theo tác giả bài viết, chi phí cho mỗi suất du lịch bảy ngày đến Hoàng Sa có giá 8.500 nhân dân tệ (1.380 USD).
Những hành động thiếu ý thức của nhóm du khách trên đã khiến các cư dân mạng Trung Quốc phẫn nộ sau khi bài viết lan truyền trên mạng hôm 26.7, theo AFP.
“Ngưng ngay cái gọi là phát triển du lịch trước khi quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa - NV) bị hủy diệt”, một người viết trên trang Sina Weibo.
|
Một du khách với các "chiến lợi phẩm" vơ vét ở Hoàng Sa. Ảnh: cmfish.com
|
Theo tờ South China Morning Post, nhiều người khác đã tuyên bố du lịch là một ý tưởng tồi cho Hoàng Sa.
Vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, với phạm vi quản lý bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Việt Nam và quốc tế.