Tuần trước, tờ Jakarta Post đưa tin rằng, Quân đội Indonesia sẽ tập trung các hoạt động trong tương lai ở phía tây đất nước nhằm đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài, bao gồm cả cuộc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Tờ báo mạng này còn cho hay, Jakarta xem xét các kế hoạch nhằm tái cấu trúc các đơn vị quân đội trong vòng hơn một thập kỉ tới.
Ngoài ra, báo trên còn dẫn lại phát biểu của Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Moeldoko cho hay, lực lượng quân đội nước này sẽ tập trung vào các hoạt động ở phía tây, đặc biệt là ở Sumatra và Kalimantan.
|
Lực lượng Quân đội Indonesia xuất hiện trong lễ duyệt binh ở thủ đô Jakarta.
|
“Trong tương lai, chúng tôi cho rằng, Biển Đông sẽ là một điểm nóng. Vì vậy, để đối với tình hình đó, các Kogabwilhan (tên gọi tắt của những đơn vị chỉ huy vùng chung đa nhiệm của Indonesia trong tương lai) như vậy sẽ đóng một vai trò quan trọng”, Tướng Moeldoko nói.
Nói một cách đơn giản, bản chất của một đơn vị được xây dựng theo mô hình Kogabwihan là đơn vị chỉ huy vùng đa chức năng với sự kết hợp của các lực lượng như hải quân, không quân và bộ binh. Đặc biệt, những đơn vị chỉ huy vùng này sẽ được đứng đầu bởi các tướng lĩnh, những người có khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt với các tình huống bất ngờ.
Ý tưởng thành lập Kogabwihan không phải là quá mới mẻ. Cựu Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono bắt đầu các kế hoạch thực thi ý tưởng trên hồi đầu năm 2008. Người kế nhiệm ông là đương kim Tổng thống Joko Widodo vào hồi tháng 11/2014 cũng nhất trí tiếp tục thực hiện kế hoạch này.
Tuy nhiên, các thông tin chi tiết quanh kế hoạch này vẫn chưa rõ ràng. Ông Moeldoko trước đó đã đề xuất thành lập 3 đơn vị chỉ huy theo mô hình Kogabwilhan này. Về địa lý, hai trong ba đơn vị đó sẽ nằm ở Sulawesi và Papua. Theo phát biểu của ông Moeldoko, đơn vị thứ ba được xây dựng theo mô hình trên sẽ nằm ở phía tây Indonesia với nhiệm vụ tập trung các hoạt động đối phó với những mối nguy từ nước ngoài.