Trong một chuyến công du được đặt tên là “chiến đấu bằng những nụ cười” mà bà Yingluck đang thực hiện, những bức ảnh selfies và các biểu tượng đã trở thành vũ khí được lựa chọn. Vũ khí này cho thấy gia đình của cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn có chỗ đứng vững chắc trong trò chơi chính trị rối ren ở đất nước Thái Lan bất chấp việc gia đình bà đang bị bao vây bởi giới quân đội.
|
Cựu nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp Yingluck Shinawatra.
|
Quân đội Thái Lan đã cấm mọi hoạt động vận động hay tuyên truyền chính trị. Vì thế, chuyến công du của bà Yingluck đến phía bắc và đông bắc rõ ràng được thiết kế như chuyến đi mang tính văn hóa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chuyến đi này không hề đơn giản. Mỗi một hành động của bà Yingluck trong chuyến đi đều đầy ắp ý nghĩa, từ việc rung “Chuông Tự do” ở một ngôi chùa Phật giáo đến việc nói chuyện bằng tiếng thổ ngữ.
Và những người trung thành với gia đình Shinawatra đang hừng hực khí thế trở lại.
Ở Phrae – một tỉnh miền núi phía bắc Thái Lan, cách quê hương của gia đình Shinawatra vài trăm km, cựu nữ Thủ tướng Yingluck được chào đón bởi hàng đoàn những người hâm mộ và họ chụp ảnh "tự sướng" với bà ở từng điểm đến. Nhiều trong số này mặc áo đỏ - biểu tượng của gia đình bà.
|
Cựu nữ Thủ tướng Thái Lan vẫn được rất nhiều người dân Thái Lan yêu mến, ủng hộ.
|
Có những giọt nước mắt, những tiếng reo hò, những bông hoa hồng được những người ủng hộ dành cho bà. Họ muốn thể hiện tình cảm đối với nữ chính khách dịu dàng, xinh đẹp ở một mảnh đất nơi chính trị phần lớn được thống trị bởi những người đàn ông trung niên cục mịch.
"Bà ấy thật xinh đẹp và có một trái tim nhân hậu. Tôi rất sung sướng khi được gặp bà ấy, được ôm bà ấy và chụp ảnh với bà ấy”, bà Siriporn Thammawongsa, 59 tuổi, cho biết.
"Tôi yêu cách bà ấy quản lý đất nước này khi làm Thủ tướng. Nếu bà ấy có thể điều hành đất nước thêm một lần nữa thì đất nước sẽ đi được một con đường dài”, bà Siriporn tự tin phát biểu.
Tuy nhiên, mong muốn của những người ủng hộ bà Yingluck sẽ không xảy ra sớm khi nữ cựu Thủ tướng bị cấm tham gia chính trường trong vòng 5 năm sau khi bà bị luận tội sau cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 22/5/2014.
|
Cựu nữ Thủ tướng Thái Lan bị cấm tham gia chính trường 5 năm.
|
Bà Yingluck có thể phải ngồi tù một thập kỷ nếu bị kết tội trong phiên tòa xử bà tội lơ là trách nhiệm trong quá trình thực thi chính sách trợ cấp giá gạo.
Một hiến pháp mới do giới chính quyền quân đội vạch ra cũng khiến giới chính khách liên quan đến gia đình Shinawatra khó nổi lên trong các cuộc bầu cử trong tương lai. Hiến pháp này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 7/8 tới và chính quyền Thái Lan đang ngăn cấm chiến dịch vận động chống lại bản hiến pháp này.
Trong bối cảnh đó, chiến dịch “chiến đấu bằng nụ cười” của bà Yingluck mang một thông điệp đầy thách thức của khu vực phía bắc Thái Lan – thành trì của gia đình Shinawatra.
|
Người dân Thái xếp hàng chờ đón bà Yingluck.
|
Tuy nhiên, cựu nữ Thủ tướng Yingluck bác bỏ cáo buộc cho rằng chuyến đi của bà mang yếu tố chính trị. "Không, đó không phải là một giây phút của chính trị. Tôi đã bị cấm tham gia chính trường 5 năm. Tất cả những gì tôi có thể làm là giúp mọi người theo cách tôi có thể, giống như chuyến đi này của tôi là để quảng bá cho văn hóa và du lịch”, bà Yingluck phát biểu với các phóng viên.
Bà Yingluck đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2011 và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan. Tuy nhiên, chịu chung số phận với các chính phủ thân Thaksin khác, chính quyền của bà Yingluck đã bị lật đổ hồi tháng 5 năm 2014 vì một quyết định của tòa án.
Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài đã 10 năm qua. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này cũng như các đồng minh của ông, bao gồm Thủ tướng lâm thời Yingluck.
Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan. Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan ngày nay. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn. Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ. Tuy nhiên, mỗi lần một chính phủ thân Thaksin lên cầm quyền thì sớm muộn đều bị lực lượng áo vàng lật đổ bằng cách này hay cách khác.
Xem thêm video về cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hồi năm 2013 (Nguồn video VTV):