Cưỡng hiếp nữ đại tá, Đại tướng Mỹ bị tước hai sao

Google News

Đại tướng Mỹ Arthur Lichte, tướng bốn sao của Không lực Hoa Kỳ (USAF), đã bị tước hai sao vì ba lần cưỡng hiếp cấp dưới trong thời gian công tác.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), Đại tướng Mỹ Arthur Lichte - tướng bốn sao của Không lực Hoa Kỳ- (67 tuổi) đã bị kết luận có tội với hành vi cưỡng hiếp sĩ quan nữ cấp dưới trong thời gian công tác.
Cuong hiep nu dai ta, Dai tuong My bi tuoc hai sao
Đại tướng Arthur Lichte là vị tướng bốn sao duy nhất của USAF từng bị khởi tố vì tội danh cưỡng hiếp. Ảnh: Ropella 
Năm 2010, tướng bốn sao Arthur Lichte nghỉ hưu. Năm 2016, một nữ đại tá báo cáo về việc từ năm 2007 – 2009 từng ba lần bị ông Lichte “sử dụng quyền lực ép buộc quan hệ tình dục”.
Ông Lichte thừa nhận có quan hệ tình dục với nữ đại tá trên, nhưng tuyên bố quan hệ của họ là hành vi tự nguyện. Tuy nhiên, USAF đã đưa ra phán quyết có lợi cho nữ đại tá.
Vì đã 5 năm kể từ ngày vụ cưỡng hiếp cuối cùng diễn ra nên ông Lichte không còn bị truy tố trước tòa quân sự. Tuy nhiên, USAF có thể áp dụng xử phạt hành chính, theo đó hội đồng quyết định cấp bậc nghỉ hưu của sĩ quan quân đội xếp tướng Lichte nghỉ hưu ở cấp trung tướng hai sao.
Cùng với việc bị giáng chức, khoản lương hưu của ông Lichte sẽ giảm từ 216.000 USD/năm xuống còn 156.000 USD/năm.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử USAF một vị tướng bốn sao bị khởi tố. Trang Stripes.com gọi vụ việc là “vụ tấn công tình dục đáng chú ý nhất liên quan đến một vị tướng trong lịch sử quân đội hiện đại”.
Ông Lichte ghi tên vào USAF năm 1971, đã có trên 5.000 giờ bay và nhận được nhiều tuyên dương trong thời gian phục vụ quân đội Mỹ. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí trong hàng ngũ quan chức Không lực, nổi bật nhất là trợ lý phó tham mưu trưởng và giám đốc tại trụ sở USAF. Đây cũng chính là giai đoạn vụ tấn công tình dục đầu tiên diễn ra.
Nhiệm vụ cuối cùng của ông Lichte trước khi nghỉ hưu là chỉ huy nhánh hỗ trợ của USAF, có các nhiệm vụ chính như tiếp liệu trên không, hỗ trợ nhân đạo...
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, hàng năm có 19.000 quân nhân Mỹ bị tấn công tình dục nhưng chưa tới 1/3 trong số đó báo cáo về vụ việc.
Theo phân tích của tập đoàn phi lợi nhuận RAND, một trong những lý do chính của việc im lặng là vì có đến 62% quân nhân sau khi báo cáo bị tấn công tình dục đã bị cấp trên trả đũa. Trong khi đó, chỉ 5% các cáo buộc dẫn đến việc kết án.
Trang blog Không lực John Q. Public cho rằng vụ tước sao của tướng USAF nhiều khả năng sẽ khiến lưỡng viện quốc hội Mỹ chú trọng hơn đến việc cải cách tư pháp trong quân đội.
Năm 2014, dự luật Cải thiện Tư pháp trong Quân đội có mục tiêu cải thiện việc xử lý các vụ tấn công tình dục trong quân đội không được thượng viện thông qua khi chỉ có 5 lá phiếu ủng hộ.
Phiên bản năm 2015 của dự luật này cũng thất bại với sự ủng hộ của 10 lá phiếu. Trong khi đó, không có bản dự luật mới nào về vấn đề trên xuất hiện ở thượng viện trong năm 2016.
Theo Vũ Anh/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)