Khi người lính nhảy dù Nga Nikolai Kozlov nhận lệnh tới Crimea để giúp chính quyền tiếp quản bán đảo này từ tay Ukraine, cha mẹ anh đã rất tự hào về người con trai của mình.
Sáu tháng sau, người lính Kozlov trở thành một người tàn tật và bác sĩ chẩn đoán rằng, anh sẽ sống như vậy đến hết cuộc đời. Anh đã bị thương và buộc phải cắt hai chân của mình trong chuyến công tác bí mật tới Ukraine để giúp phe ly khai thân Nga ở miền đông nước này.
|
Một dân quân tự vệ thân Nga đứng canh gác trên một con đường hướng về sân bay Donetsk ngày 2/9.
|
Người chú của anh lính nhảy dù tên Sergei Kozlov cho biết, người anh trai (tức bố của Nikolai) đã nhờ ông chăm sóc cho chàng thanh niên trẻ ở bệnh viện. “Seva đã gọi cho tôi vào ngày hôm qua và nói rằng, Kolka đã bị thương ở Ukraine và đã mất cả hai chân. Tôi đã không hỏi lại bất cứ điều gì nữa”, ông Sergei cho biết, đề cập tới người anh trai và cháu trai của mình bằng tên gọi thân mật trong gia đình.
Những lời chia sẻ của ông Sergei cùng với những ngôi mộ bí mật của các binh sĩ khác phần nào phản ánh một phần sự thật nghiệt ngã và đau thương của cuộc chiến ở Ukraine. Nó cũng cung cấp bằng chứng cho thấy sự can thiệp của Nga ở Ukraine. Ủy ban các bà mẹ chiến sĩ, một tổ chức nhân quyền chính đại diện cho quân đội Nga, cho hay có tới 15.000 binh sĩ có thể được gửi sang Ukraine trong vòng 2 tháng nay.
Cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tên Oleksandr Danylyuk trên trang Facebook cúa mình cho biết, tuần này, 2.000 quân nhân Nga đã bị thiệt mạng ở Ukraine (?).
Còn người đứng đầu điện Kremlin, Tổng thống Putin đã bác bỏ cáo buộc binh sĩ Nga hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Ông nói rằng, số binh sĩ bị chính quyền Kiev bắt giữ là do tình cờ đi vào vùng lãnh thổ của Ukraine mà thôi.
Vào ngày 3/9, ông Putin đã đưa ra một kế hoạch gồm 7 bước để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine và nói rằng, một thỏa thuận với Kiev có thể được ký kết vào đầu ngày 5/9.
|
Tổng thống Nga Putin phát biểu trong chuyến thăm tới Mông Cổ ngày 3/9.
|
Trong khi đó, một bộ phận người Nga vẫn không biết rằng, quân đội nước họ đang chiến đấu ở nước láng giềng
Ukraine hoặc họ thích nhìn vấn đề theo một cách khác.
“Tôi không nghe thấy bất kì điều gì về cuộc chiến đó. Không ai vượt qua biên giới và tôi tin rằng không ai tuyên bố chiến tranh cả”, bà mẹ ba con Olga Burtseva cho hay.
Điều này thể hiện một phần qua kết quả của cuộc thăm dò dư luận do trung tâm Levada thực hiện. Theo đó, 2/3 người
Nga không tin rằng, nước họ và Ukraine đang tham gia vào một cuộc chiến.
Các chuyên gia nhận xét, việc Nga miễn cưỡng xác nhận quân đội của họ hiện diện ở Ukraine cũng giống với sự xác nhận ban đầu của Liên Xô với cuộc chiến ở Afghanistan năm 1979. Tuy nhiên, họ cho rằng, chính phủ Nga sẽ không thể giữ được bức màn bí mật về sự can thiệp của mình lâu hơn nữa.
Tuy nhiên, một số lượng người dân khác ở Nga lại không đồng tình với các quyết sách của Tổng thống Putin ở Ukraine. Điển hình, các nhóm tình nguyện viên trên một trang mạng trực tuyến kêu gọi người dân điền các thông tin về các quân nhân bị thiệt mạng hay mất tích khi họ đi chiến đấu ở Ukraine.
Trang
Facebook tên “Cargo 200 from Ukraine to Russia” – một thuật ngữ để chỉ về những túi đựng thi thể các binh sĩ trong quân đội – đưa ra ý kiến rằng, ông Putin sẽ phải hầu tòa vì những gì đã làm ở Ukraine.
Quay trở lại trường hợp người lính nhảy dù Nikolai Kozlov. Người chú anh lính này lại gọi ông
Putin là một “quái vật”. Trong khi đó, cha của người lính tên Vsevolod lại cho rằng, ông cảm thấy tự hào về con trai của mình và bảo vệ những chính sách của Tổng thống Putin.
“Nó (tức người lính Nikolai) đã đọc lời thề và hoàn thành các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Chẳng có vấn đề gì về những gì nó đã làm cả. Nó đã làm đúng”, ông Vsevolod chia sẻ quan điểm của mình trong chương trình trên sóng phát thanh Moscow Echo.