Đêm 12/12 (theo giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu với sự thông qua của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của LHQ và nhiều điều khoản cam kết mạnh mẽ.
Thỏa thuận Paris có thể coi là một bản thỏa thuận lịch sử. Lịch sử ở chỗ đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu được sự thông qua của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về khí hậu. Lịch sử là sau nhiều thất bại của các hội nghị COP, thì lần này một thỏa thuận đã ra đời tại Paris ở vào thời điểm được coi là “không thể chậm hơn”. Và lịch sử ở chính những điều khoản mạnh mẽ và cam kết ràng buộc trong thỏa thuận.
|
Tuần hành kêu gọi "Công lý cho Khí hậu" tại Paris ngày 12/12, |
Thỏa thuận đạt được sau những ngày đàm phán marathon căng thẳng nhất từ trước đến nay, trong đó có ba đêm cuối các đoàn đàm phán hầu như thức trắng đêm để đàm phán.
Bản thỏa thuận Paris lần này có 31 trang, 29 điều khoản, tập trung vào 5 vấn đề lớn và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020 và có những điểm chính sau.
Thứ nhất, về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức trần tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 là không quá 2 độ C, tức nhân loại phấn đấu đến thời điểm đó sẽ giữ cho trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, tức cuối thế kỷ 19, nhưng có kèm theo khuyến nghị là “quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C”. Dĩ nhiên mức 1,5 độ C là mục tiêu cực kỳ nan giải, thậm chí là bất khả thi nhưng việc đưa con số 1,5 độ C vào có thể xem là một sự bù đắp cho việc thiếu các mục tiêu dài hạn trong thỏa thuận, cụ thể là ở mức giảm khí thải. Trong các dự thảo tuần trước có đưa ra các con số cụ thể như giảm từ 40-70%, thậm chí đến 95% lượng khí thải carbon vào năm 2050, nhưng trong thỏa thuận cuối cùng không có các con số này vì nhiều nước cho rằng đưa ra con số cụ thể là quá ép buộc. Vì thế, thỏa thuận chỉ đưa ra con số trần 1,5 độ C và mục tiêu là từ nửa sau thế kỷ 21, sẽ đạt được mức cân bằng.
Điểm đáng chú ý thứ hai, thỏa thuận này đã ít nhiều có tính ràng buộc pháp lý, với việc đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2025, mà theo các Tổ chức phi chính phủ là “quá muộn”. Thứ ba, về trách nhiệm đóng góp thì các nước phương Bắc giàu có vẫn phải gánh trách nhiệm đi đầu. Việc gây quỹ 100 tỷ euro/năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại nhưng quan trọng là thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.
Một điểm nữa đáng chú ý là vấn đề “mất mát và thiệt hại” lần đầu tiên được đưa vào thỏa thuận. Tuy nhiên, nó chưa ghi rõ là các nước phương Bắc phải bồi thường thiệt hại cho các nước phương Nam chịu hậu quả nặng của biến đổi khí hậu như thế nào mà chỉ ghi chung chung là “các bên tăng cường trao đổi, hành động và trợ giúp lẫn nhau” để bù đắp các mất mát và thiệt hại.
Cuối cùng, để thỏa thuận Paris có hiệu lực thì nó cần được ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ 2020. Các nước đều có quyền từ bỏ thỏa thuận, nhưng phải ít nhất là ba năm sau khi thỏa thuận Paris có hiệu lực.