"Cơn lũ" đầu bếp Philippines tràn ngập thế giới

Google News

Mỗi năm, các trường dạy nấu ăn ở Philippines tung ra hàng chục ngàn đầu bếp và "cơn lũ" đầu bếp Philippines đang tràn ngập thế giới.

Nếu bạn đang nghỉ dưỡng dài ngày trên một tàu du lịch biển ở Địa Trung Hải, đang ăn mừng chiến thắng tại một sòng bạc châu Á hoặc thậm chí là tiệc tùng với tổng thống Mỹ, có nhiều khả năng bạn đang dùng bữa do một đầu bếp Philippines chịu trách nhiệm nấu nướng.
Kể từ những năm 1970, Philippines đã nổi tiếng vì thường xuyên xuất khẩu một lượng lớn người lao động ra nước ngoài, đặc biệt là các giúp việc và công nhân xây dựng với nhu nhập bèo bọt. Họ chấp nhận một cuộc sống với tương lai bất ổn định ở nước ngoài, để thoát khỏi cái nghèo ở trong nước.
Làn sóng xuất khẩu lao động trình độ cao
Nhưng trong mấy năm gần đây, tại Philippines đã xuất hiện một xu hướng xuất khẩu lao động trình độ cao, đảm nhận các công việc được trả lương tốt. Các trường dạy nấu ăn ở Philippines là một phần của xu hướng mới và mỗi năm họ tung ra hàng chục ngàn đầu bếp, cho các khu bếp trên khắp thế giới.
"Từ khi còn bé, tôi đã luôn hứng thú với hoạt động nấu ăn, đặc biệt là nướng bánh" - Rochelle Evaristo chia sẻ với AFP, trong lúc đang theo học một lớp dạy làm bánh mỳ kẹp, ở một ngôi trường tại Manila - "Tôi cũng muốn làm việc ở nước ngoài. Anh họ tôi đang ở Canada cho biết rằng người ta cần rất nhiều đầu bếp".
Evaristo học làm bánh mỳ kẹp tại một trường dạy nấu ăn ở Manila.  
Hiện ở cuối độ tuổi 20, Evaristo thuộc nhóm cao niên nhất của một lớp học nấu ăn với 39 học viên, phần lớn trong độ tuổi teen. Hơn 10 triệu người Philippines đang lao động tại nước ngoài và các nghề như giúp việc, thủy thủ, công nhân... vẫn là những công việc phổ biến nhất của họ.
Tuy nhiên một số nghề như đầu bếp, thợ làm bánh... đang trở nên đắt khách. Các con tàu, khách sạn, nhà hàng, sòng bạc... là những nơi chuyên tuyển mộ đầu bếp Philippines.
Có thể nói, người Philippines là "nguồn vốn quý" trong ngành nấu ăn toàn cầu, bởi họ dùng tiếng Anh rất thạo, dễ thích nghi với đất nước tuyển dụng họ làm việc và dễ gần. "Đó là những kỹ năng mềm, đã khiến chúng tôi khác biệt so với các lao động ở những nước láng giềng, hoặc nhiều quốc gia khác trên thế giới" - Teodoro Pascua, phó giám đốc phụ trách hoạt động của ngôi trường dạy nấu ăn ở Manila đã đề cập ở trên, cho biết.
Pascua cũng nói rằng một người tốt nghiệp khóa đào tạo nấu ăn, ở cấp độ "nhập môn" tại trường ông, hoàn toàn có thể làm chủ mọi món ăn cơ bản, tại bất kỳ khu bếp nào.
Những ngôi sao truyền cảm hứng
Hiện có khoảng 2.500 trường dạy nấu ăn ở Philippines, thi nhau cho ra lò các đầu bếp chất lượng. Làn sóng này lấy cảm hứng từ Pablo Logro, một cựu nhân viên rửa bát đã vươn lên trở thành đầu bếp riêng của sultan Oman.
Logro khởi đầu sự nghiệp bằng công việc chuẩn bị bánh bao mềm cho một nhà hàng Trung Quốc ở Manila. Thời gian làm việc tại đây, ông đã có cơ hội quan sát hoạt động nấu ăn kiểu Á của viên đầu bếp.
Tiếp đó, ông làm công việc phụ bếp tại một khách sạn ở Manila và trong thời gian ở đây đã kết bạn với một vị khách người Arab. Chính nhân vật này đã mời ông tới làm bếp phó ở Oman trong đầu những năm 1980.
Philippines đang cung cấp cho thế giới rất nhiều lao động trình độ cao thuộc ngành nấu nướng và phục vụ thưởng thức ẩm thực.
Hóa ra, công việc nấu nướng nằm trong Cung điện Al Bustan, nơi sultan Oman đón tiếp các vị khách quý của ông. Trong những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Philippines, Logro cho biết suốt sự nghiệp dài 1 thập kỷ ở Oman, ông thường xuyên nấu các món từ thịt cừu cho sultan. Ông cũng nấu nướng phục vụ nhiều nguyên thủ và lãnh đạo hoàng gia tới thăm Oman.
Khi trở về nước, ông trở thành bếp trưởng người Philippines đầu tiên làm việc trong một khách sạn 5 sao. Sau đó ông đã bỏ công việc này và mở trường dạy nấu ăn, qua đó biến mình thành một đầu bếp nổi tiếng, với chương trình chuyên về nấu ăn rất thành công trên truyền hình.
Một tấm gương thành công khác xuất hiện trong thời gian gần đây hơn là Cristeta Comerford, người là bếp phó trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995, sau thời gian làm việc tại nhiều khách sạn 5 sao ở Mỹ.
Tiếp đó, vào năm 2005, bà được bổ nhiệm là bếp trưởng tại khu bếp của Tổng thống Mỹ George W. Bush. Bà tiếp tục đảm nhận vị trí này tới tận thời Tổng thống Barack Obama.
Khi thăm Philippines vào năm ngoái, Obama đã hết lời ca ngợi bà Comerford, người đã giới thiệu với gia đình ông 2 món ăn nổi tiếng nhất của Philippines. "Nhờ cô ấy, chúng tôi mới được thưởng thức các món lumpia và adobo" - ông nói, có ý liên hệ tới món nem rán Philippines và thịt tẩm ướp muối, dấm, tỏi.
Ước mơ đổi đời từ nghề nấu nướng
Evaristo hiện chỉ có tham vọng nhỏ bé khi học nấu ăn, đó là kiếm được nhiều tiền hơn công việc thư ký ngân hàng trước đây, vốn chỉ đem lại thu nhập 14.000 peso (300 USD) mỗi tháng.
Sau khi kết thúc 6 tháng đào tạo và thời gian tập sự tại một nhà hàng ở Philippines, cô hy vọng mình sẽ có thể tới Canada làm việc cùng anh họ, người đang là bếp trưởng tại một nhà hàng ở Vancouver. "Anh họ tôi đã tăng gấp đôi thu nhập so với công việc trước kia (bếp trưởng tại một chuỗi nhà hàng ở Manila)" - Evaristo nói.
Trong khi thu nhập từ nghề đầu bếp rất khác nhau, mức thấp nhất vẫn cao hơn các nghề giúp việc thông thường. Để so sánh, người giúp việc ở Saudi Arabia kiếm chừng 400 USD một tháng và 530 USD ở Hong Kong. Trong khi đó, công việc bếp phó trên tàu du lịch biển có thể mang lại thu nhập 900 USD.
Nhưng ngoài mục đích kiếm tiền, nhiều người còn hy vọng công việc sẽ giúp họ tái lập các kỳ tích của những người như Logro và Comerford. "Một trong các học viên của tôi đã đi làm việc trong cung điện ở Trung Đông và nấu ăn phục vụ một công chúa!" - Imeldaughter Vera, một thầy dạy nấu ăn ở Manila, cho biết.
Gần 180.000 người Philippines đã đi làm trên các con tàu, trong những năm từ 2010 tới 2014, gồm gần 72.000 bếp trưởng. Số còn lại làm các công việc như phụ bếp, bồi bàn... Cùng khoảng thời gian trên, khoảng 65.000 người Philippines đã làm công việc nấu nướng tương tự tại các khách sạn và nhà hàng của thế giới.
Theo TTVH

Bình luận(0)