Hàng chục năm nay, người dân ở ngôi làng biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ sống trong cảnh hòa bình bất chấp mối căng thẳng lâu dài của hai nước. Tuy nhiên, mùa thu năm nay, nơi đây đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh dữ dội.
“Tôi đã đưa gia đình tôi về sống nhờ ở nhà họ hàng. Khi chắc chắn rằng hòa bình quay trở lại, tôi sẽ đón họ về nhà”, người đàn ông 55 tuổi sống ở ngôi làng cho biết.
Các cuộc tấn công gần đây giữa hai nước được coi là tồi tệ nhất kể từ sau lệnh ngừng bắn ký kết năm 2003. Bây giờ, khi các cuộc giao tranh dần lắng xuống, người dân di dời cũng thu xếp trở về ngôi nhà thân yêu của họ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lo sợ, tình hình êm dịu trên sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Mặt khác, một vài người lại bày tỏ sự quan ngại về một cuộc chiến tranh xảy ra trong nay mai, khi cả Pakistan và Ấn Độ đều muốn tạo ảnh hưởng ở Afghanistan khi quân đội Mỹ rút quân khỏi nước này.
|
Quang cảnh ở khu vực biên giới giữa hai nước Pakistan và Ấn Độ trong thời gian gần đây.
|
Nhà phân tích cao cấp về tình hình Nam Á ở Viện Brookings, ông Stephen P.Cohen chia sẻ: “Tình hình giữa hai nước này cũng giống như ở Trung Đông, nhưng cuộc chiến chỉ xảy ra với hai quốc gia đều cùng sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Các cuộc đụng độ, trong đó có cả pháo binh và súng cối ở khu vực biên giới, không chỉ diễn ra ở khu vực tranh chấp lâu năm Kashmir, mà còn ở vùng ngoại ô phía nam của Sialkot, một khu công nghiệp nổi tiếng.
Trước các căng thẳng gần đây, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Phía Pakistan cho rằng, chính phủ Ấn Độ đang khiêu khích họ nhằm kêu gọi sự ủng hộ trong dân chúng trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới. Còn Ấn Độ cáo buộc chính quyền Pakistan không đủ sức răn đe các binh sĩ Hồi giáo, nhóm người đang đòi chủ quyền cho vùng đất tranh chấp Kashmir. Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ các nhóm nổi dậy ở Pakistan có liên hệ mật thiết với cơ quan tình báo và quân đội nước này.