Bước ngoặt trong cuộc chiến chống ma túy toàn cầu

Google News

(Kiến Thức) - Với dòng tít “Liên Hợp Quốc ghi nhận thất bại trong cuộc chiến chống ma túy”, báo Pháp Le Monde đề cao khía cạnh nhân văn trong cuộc chiến này.

Ngày 19/4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp phiên bất thường, kéo dài cho đến ngày 21/4 để bàn về các biện pháp chống nạn buôn bán ma túy. Báo Le Monde cho biết là dự thảo nghị quyết sẽ được bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống ma túy, vì nó chú trọng hơn đến khía cạnh y tế-xã hội thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp trấn áp.
Buoc ngoat trong cuoc chien chong ma tuy toan cau
Sáu tổng thống và các nhà lãnh đạo thế giới khác cho rằng hình sự hóa việc sử dụng ma túy có thể dẫn đến đại dịch HIV/AIDS toàn cầu. Ảnh  globalcommissionondrugs.org
Sau khi thừa nhận là kế hoạch hành động 2009-2019 không đạt được các mục tiêu đề ra, giới chuyên gia quốc tế đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết mới từ hồi tháng 3/2016, nói đến “một xã hội không có sự lạm dụng ma túy”, thay cho khẩu hiệu ảo tưởng được đưa ra trước đây là “một thế giới không có ma túy”.
Dự thảo nghị quyết mới nhấn mạnh chính sách phòng ngừa, chăm sóc chữa trị và đề cao các chính sách, biện pháp tư pháp “phù hợp” cũng như việc sử dụng chất Naloxone trong trường hợp người nghiện dùng ma túy quá liều.
Theo Le Monde, đây là một sự thay đổi triệt để về quan niệm, phương pháp trong cuộc chiến chống ma túy. Tương tự chính quyền của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tiến hành “chiến tranh chống ma túy” hồi đầu những năm 1970, khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1998 đã đề ra khẩu hiệu “Một thế giới không có ma túy : Chúng ta có thể đạt được”.
Từ đó đến nay, khoảng 1.000 tỷ USD đã được chi trên phạm vi toàn thế giới để chống lại vấn nạn ma túy. Riêng Mỹ chi tới 50 tỷ USD. Thế nhưng, nạn buôn lậu ma túy vẫn phát triển và có doanh thu hàng năm vào khoảng 300 tỷ USD, chỉ đứng sau doanh thu của lĩnh vực buôn bán vũ khí.
Chính sách cấm đoán vừa không mang lại hiệu quả, vừa gây ra những tác động tiêu cực trong lĩnh vực y tế công. Bằng chứng là số trường hợp lây nhiễm HIV tăng vọt tại Nga. Từ vài năm nay, nhiều nước như Bồ Đào Nha, Uruguay, Canada đã áp dụng thí điểm các biện pháp chú trọng vào phòng ngừa và chăm sóc y tế. Bài viết của Le Monde có ảnh chụp áp phích quảng bá cho chính sách phòng ngừa tại Việt Nam nói đến cơ hội cho người nghiện ma túy “xây dựng cuộc sống mới và phòng tránh HIV”. 
Minh Châu (Theo Le Monde)

Bình luận(0)