|
Chiến dịch dùng tiền "câu like (thích)" trên trang mạng Facebook của Bộ diễn ra
trong suốt 2 năm qua tại những thời điểm mà chính phủ đưa ra các biện
pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc nhất. |
Cụ thể, một báo cáo phê bình của Văn phòng Tổng thanh tra, một cơ quan giám sát độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây tiết lộ về chính sách tiếp cận truyền thông xã hội của họ với nhiệm vụ “hướng dẫn và chỉ đạo quảng cáo kỹ thuật số để hướng tới các mục tiêu ngoại giao công chúng cụ thể”.
Báo cáo cho biết, 2 chiến dịch quảng cáo trong năm 2011 và 2012 với chi phí 630.000 USD nhằm “mục tiêu xây dựng các nền tảng tiếp cận toàn cầu để tương tác với các đối tượng nước ngoài bằng cách tăng số lượng người hâm mộ... trên 4 trang mạng xã hội
Facebook chuyên đề của Bộ”.
Dù mỗi trang
Facebook chuyên đề (được Văn phòng Chương trình thông tin Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý) đã có khoảng 2,5 triệu người hâm mộ vào giữa tháng 3 năm nay nhưng chỉ có 2% trong số này thực sự quan tâm và tích cực bình luận về các vấn đề được đăng tải bằng cách bấm “like” hoặc chia sẻ nội dung bài viết.
“Nhiều người trong Văn phòng chỉ trích các chiến dịch quảng cáo” chẳng khác nào “mua người hâm mộ” để nhấp chuột vào các nội dung hoặc bấm “like” (thích) vào những bức ảnh mà không thực sự quan tâm đến chúng và không hề có hứng thú để làm điều này”, báo cáo được đưa ra vào cuối tháng trước viết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki cho biết báo cáo đã được thực hiện nghiêm túc và cam đoan những khuyến nghị trong báo cáo sẽ được thực thi trước năm tài chính 2014 vào tháng 10.
“Quảng cáo trực tuyến đã giảm đáng kể. Hiện tại Bộ chỉ còn chi 2.500 USD/tháng”, bà Psaki nhấn mạnh đồng thời khẳng định số tiền trên “vẫn cho phép chúng ta tiếp cận và giao tiếp với một loạt các đối tượng nước ngoài”.
Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang phát triển các hướng dẫn và chỉ đạo về cách thức sử dụng các trang mạng xã hội như
Facebook và
Twitter trong thế giới ngoại giao.