Kalai nằm ở huyện Jotpurhat, phía Bắc của thủ đô Dhaka. Giống như hàng triệu người Bangladesh nông thôn khác, người dân ở đây luôn phải đối mặt với cuộc sống rất khó khăn. Trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vô số người đã vay tín dụng. Nhưng giờ đây họ không có khả năng trả nợ và phải bán nội tạng như một phương sách cuối cùng để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Bán một quả thận
Mohammad Alam, 33 tuổi, mang vết sẹo dài gần 40cm trên bụng mình, nơi anh cắt đi một quả thận. Chăm sóc hậu phẫu không đủ khiến anh bị liệt một phần cơ thể. Giờ đây anh không thể làm việc gì nặng được.
Để kiếm tiền, anh mở cửa hàng nhỏ trong làng bán gạo, bột mì và các đồ lặt vặt. Một vài năm trước, thu nhập từ nghề lái xe không đủ để anh trả nợ hàng tuần khoản vay tín dụng vi mô từ 8 tổ chức phi chính phủ (NGO) khác nhau. "Một ngày nọ, một người đàn ông đi trên xe và hỏi tôi tại sao tôi vay tiền", Alam nhớ lại. "Tôi nói với ông ấy rằng tôi rất nghèo và tôi vay từ 7 hay 8 NGO số tiền khoảng 100.000 taka (1.442 USD). Tôi kinh doanh đồ nội thất và đồ gia dụng để cố gắng trả lại tiền nhưng không thể".
Vị khách trên xe, một tay trung gian giữa người bán nội tạng và người nhận, thuyết phục Alam bán một quả thận, hứa sẽ trả ông 400.000 taka (6.360 USD). 17 ngày sau đó, Alam trở về nhà từ một bệnh viện tư nhân ở Dhaka, với cơ thể yếu ớt và và chỉ được nhận một phần nhỏ số tiền mà anh được hứa trả. Mohammad Hossen cũng là một nạn nhân.
Người đàn ông 24 tuổi này bị thuyết phục cắt một phần gan để nhận 700.000 taka (9.690 USD) là "hành động cao quý" giúp cứu sống một người đàn ông Singapore. "Tôi bị bỏ lại mà không biết bao nhiêu gan bị cắt. 2 ngày sau, người nhận gan chết. "Tôi bị đau ở ngực và phải tiểu tiện 50-60 lần/ngày". Hasan chỉ nhận được 150.000 taka (2.046 USD).
|
Mohammad Hossen bị cắt một quả thận và không có khả năng làm việc nặng. |
Vay bao nhiêu?
Tín dụng vi mô, được ca ngợi như một vị cứu tinh cho hàng triệu người, nhằm xóa bỏ nghèo đói bằng các hoạt động tạo thu nhập thông qua việc cung cấp các khoản vay không thế chấp.
Nhưng các tổ chức tài chính vi mô không đưa ra cơ cấu trả nợ rõ ràng cũng như không xác định xem người vay có nhiều khoản vay tại các tổ chức khác không. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong đó người vay mượn tiền từ các NGO khác để trả vốn vay hiện có, khiến nhiều người không trả được nợ và phải thực hiện các biện pháp cực đoan khác như bán nội tạng để trả nợ.
Giáo sư Monir Moniruzzaman từ Bộ Nhân chủng học tại Đại học bang Michigan nghiên cứu tình trạng buôn bán nội tạng ở Bangladesh trong 12 năm và cho biết, tất cả đều cảm thấy bị áp lực phải trả nợ. Ông cáo buộc các NGO, như Ngân hàng Grameen và BRAC, gây áp lực cho người vay bằng cách ngồi cả ngày tại nhà, quấy rối và đe dọa họ.
Ngân hàng Grameen phủ nhận cáo buộc này. Mohammed Shah Jahan, quyền Giám đốc ngân hàng, cho biết, Grameen không áp đặt bất kỳ hình phạt nếu người vay không trả nợ, vì người đi vay có thể tự do sắp xếp lại các khoản vay. BRAC cho biết, họ đang sử dụng phương pháp gõ cửa từng nhà hỏi về tình hình kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, phương pháp kiểm tra như vậy không khả thi.
Nhưng rồi, khi nhu cầu về nội tạng tăng cao tiếp tục tạo điều kiện cho một thị trường chợ đen bất hợp pháp ở Bangladesh, người dân nông thôn nghèo sẽ tiếp tục bị lừa bởi lời hứa giả dối về một cuộc sống tốt hơn.