|
Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và Tổng thư ký PDL Angelino Alfano giới thiệu danh sách các ứng cử viên tham gia tổng tuyển cử hồi tháng 1/2013. |
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano ngày 28/9 thông báo tất cả 5 bộ trưởng của PDL, trong đó có ông, đã từ chức.
Thông báo này được đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Berlusconi "không chấp nhận" việc Thủ tướng Enrico Letta yêu cầu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ liên minh tả-hữu hiện nay. Không những thế, ông Berlusconi còn "ra lệnh" cho các bộ trưởng PDL rời bỏ chính phủ của ông Enrico Letta.
Cựu Thủ tướng Berlusconi đã đổ lỗi cho chính phủ Italy hiện hành của Thủ tướng Enrico Letta tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), dự kiến có hiệu lực vào tuần tới. Ông Berlusconi cho rằng, tăng VAT là một sự “vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận về thành lập chính phủ liên minh tả-hữu hiện nay”.
Chính phủ tả-hữu hiện nay ở Italy được thành lập dựa trên cơ sở liên minh giữa Đảng Tự do Nhân dân (PDL) trung hữu và Đảng Dân chủ (PD) trung tả của Thủ tướng Enrico Letta. Hai đối thủ truyền thống này buộc phải liên minh với nhau để thành lập chính phủ do cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2/2013 “bất phân thắng bại”.
Liên minh dễ bị đổ vỡ này đang lâm vào tình trạng nguy hiểm do các nhà lập pháp trung hữu bị đe dọa từ chức hàng loạt, nếu Thượng viện Italy ngày 4/10 bỏ phiếu để sa thải "ông trùm" của họ, dựa trên một đạo luật chống tham nhũng năm 2012.
Thủ tướng Enrico Letta dự kiến tìm kiếm sự hỗ trợ của Quốc hội Italy vào tuần tới để tiếp tục tại vị.
Các nhà phân tích ở Italy cho rằng, nếu Thủ tướng Enrico Letta thu hút được sự ủng hộ của vài chục thượng nghị sĩ PDL “nổi loạn” hoặc các đảng đối lập khác, ông có thể thành lập một chính phủ liên minh mới.
Nếu không, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano hoặc sẽ phải kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử mới hoặc phải đứng ra giám sát việc thành lập một chính phủ mới.
Trong một tuyên bố chung, Hiệp hội ngân hàng và Hiệp hội bảo hiểm và công nghiệp Italy cảnh báo: “Một cuộc khủng hoảng chính phủ sẽ gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với Italy và có nguy cơ đẩy đất nước lại rơi vào vòng xoáy đi xuống, với những hậu quả lớn đối với các hộ gia đình và các công ty”.