Cuối tháng Mười, Tổng thống Pháp Francois Hollande là vị nguyên thủ quốc gia không được ưa chuộng nhất trong suốt lịch sử đất nước. Theo khảo sát, chỉ số uy tín của ông chỉ có 26%. Thế mà ông lên cầm quyền mới chỉ được 1 năm và 5 tháng. Chỉ số quá thấp đến mức thua kém cả vị tiền nhiệm không được dân Pháp ưa chuộng là Nicolas Sarkozy: ông Sarkozy rời chức vụ đứng đầu quốc gia khi chỉ số tín nhiệm là 30%.
|
Ảnh: EPA. |
Trên qui mô thế giới, việc người Pháp không ưa ông Hollande tất nhiên chưa phải là mức kỷ lục "đáng xấu hổ”. Hiện thời, giữ “ngôi” về mặt này là Tổng thống Peru Ollanta Humala. Mức độ tán thành công tác của ông đã giảm xuống dưới 25%. Nhưng điều đó khó có thể an ủi ông Ollanta Humala, trong chừng mực ở Liên minh châu Âu thì ông đứng đầu bảng là nhà lãnh đạo không được ưa chuộng.
Ở Cựu Thế giới hầu như tất cả các thủ lĩnh đều bị mất trọng lượng chính trị: giảm sút chỉ số tín nhiệm của các Thủ tướng Anh, Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha. Thủ tướng Hy Lạp thậm chí cố gắng cũng chưa đạt mức 40% ủng hộ. Ở châu Âu, có trường hợp ngoại lệ là nhà lãnh đạo của nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel. «Mutti» hoặc "Bà mẹ" như người Đức thường gọi, đã trở thành Thủ tướng vào năm 2005 và cho đến nay chỉ số uy tín của bà vẫn ở mức 60%.
Hiện tượng Merkel không khó lý giải, - như ý kiến của Bộ trưởng nội các Liên bang Ursula von der Leyen.
“Bà Merkel hành xử rất giản dị. Trong con người bà không hề có một ly tự phụ nào. Và điều đó khiến mọi người đều thích. Bà nổi tiếng, được yêu mến, vì tất cả đều có cảm tưởng rằng bà là một người như chúng ta”.
Tốc độ rớt chỉ số xếp hạng của các chính trị gia cũng như chiều sâu của mỗi hoàn cảnh, đều khác nhau. Tất cả tùy thuộc vào chỗ tiến hành thống kê từ mức cấp nào. Thí dụ như ông Barack Obama, trong ngày nhậm chức vào năm 2008, chỉ số tín nhiệm đã ở mức 80-83 %. Ông thậm chí vượt cả kỷ lục năm 1961 của Tổng thống John F. Kennedy là 71-73 %. Còn hôm nay, thành quả công việc của "anh bạn Barack" chỉ nhận được sự chấp thuận của 44,5% người Mỹ. Về nguyên tắc, đà rớt uy tín của ông Obama có vẻ tương tự như như tình hình với ông Hollande. Quả thực, nếu tính đến tất cả các vấn đề của ông Obama – suýt vỡ nợ, thất nghiệp, xì-căng-đan nghe lén điện thoại của dân Mỹ và châu Âu – thì thậm chí còn đáng ngạc nhiên rằng uy tín của ông vẫn chưa bị sụp đổ hoàn toàn nói chung.
Tuy nhiên, các đối thủ của ông Obama cho rằng mọi sự còn ở phía trước. Thượng nghị sĩ Rand Paul giả thiết rằng nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh tín nhiệm với ông Obama không phải ở cơn bệnh tật tài chính của đất nước và tăng giá phi mã. Mà tai họa là ở chỗ, ông Barack Obama đang bị mất “uy tín đạo đức”, - Thượng nghị sĩ Rand Paul nhận định.
“Tôi cho rằng dưới chùm sao “quả tạ” chiếu với những bê bối nóng lên ở Mỹ trong những tháng gần đây đang dần tước đi của Tổng thống "uy tín đạo đức" để lãnh đạo quốc gia. Không ai đặt câu hỏi về tính hợp pháp của nhiệm kỳ Tổng thống. Thế nhưng về "tín nhiệm đạo đức" trong việc điều hành đất nước thì ông đang bị mất. Và ông Barack Obama phải làm gì đó với chuyện này”.
Cần nói thêm là ông Obama còn xa so với "thành tích xám" của người tiền nhiệm là ông George W. Bush, người đã đi vào lịch sử nước Mỹ như là vị Tổng thống không được lòng dân nhất của Hoa Kỳ. Theo thăm dò của Viện Gallup, khi kết thúc nhiệm kỳ, chỉ số bất tín nhiệm của ông Bush-con đã ở mức 71%.
Mỗi đất nước đều có những vị nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng được yêu mến nhất và kém thiện cảm nhất. Ở Anh, kỷ lục về mất cảm tình trong dân chúng là Thủ tướng Công đảng Tony Blair. Khiến người Nhật Bản không thích nhất là Thủ tướng Naoto Kan, đã phải từ chức vào năm 2011. Còn người đứng đầu nội các được tín nhiệm nhất ở đất nước Mặt trời mọc là cựu Thủ tướng Junichiro Koidzumi.
Nhưng những chỉ số uy tín “ở nhà” không quá tác động đến thế lực và ảnh hưởng của các Tổng thống và Thủ tướng trong nền chính trị thế giới. Chẳng hạn, theo phương án đánh giá của tạp chí Forbes, ông Barack Obama vẫn là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng bậc nhất trên thế giới. Trong danh sách xếp hạng mà tạp chí này công bố ngày 30 tháng Mười, tên ông Barack Obama đứng ở vị trí thứ hai. Vượt hơn Tổng thống Hoa Kỳ chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong tốp ba lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trên thế giới còn có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.