Đây là một bước đi của Ai Cập nhằm tăng cường đàn áp các tổ chức có khả năng tạo ra các cuộc biểu tình và bạo lực chính trị trước cuộc bầu cử vào tháng 5.
Án tử hình dành cho ông Mohamed Badie, nhà lãnh đạo phong trào Anh em Hồi giáo ngay lập tức gây ra sự phẫn nộ cho các thành viên nhóm Anh em Hồi giáo. Nhóm này đang phải chịu sự truy nã, bắt giữ và cấm hoạt động của chính phủ lâm thời Ai Cập kể từ khi Quân đội Ai Cập lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Mursi vào tháng 7/2013.
Nhóm Anh em Hồi giáo cam kết có các hành động ôn hòa. Tuy nhiên, một số thành viên của nhóm vẫn bày tỏ sự lo ngại về việc áp lực từ các lực lượng an ninh và tòa án Ai Cập có thể khiến một số thành viên trẻ tuổi gây ra các hành vi bạo lực chống lại nhà nước lâm thời nước này.
|
Thân nhân các thành viên phong trào Anh em Hồi giáo đau đớn nhận tin án tử hình.
|
Ông Badie bị kết tội kích động bạo lực sau khi Quân đội Ai Cập lật đổ cựu Tổng thống Mursi, người cũng đang bị truy tố về hàng loạt tội danh khác.
Việc Ai Cập kết án tử hình gần 700 người làm củng cố thêm những lo ngại của các nhóm nhân quyền về việc chính phủ lâm thời và tòa án chống Hồi giáo của Ai Cập đang lạm dụng quyền lực để đàn áp đối thủ chính trị.
“Việc kết án tử hình gần 700 thành viên của phòng trào Anh em Hồi giáo của Ai Cập có thể coi là án tử hình lớn nhất trong những năm gần đây của thế giới. Ai Cập có vẻ đang cố dùng những án tử hình này để khủng bố những người thuộc phe đối lập”, bà Sarah Leah Whitson – giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Đông và Bắc Phi cho hay.
Các chính phủ phương Tây vẫn chưa có phản ứng gì về vụ việc này. Trước đó, các nước phương Tây từng bày tỏ sự bất đồng với những hành động đàn áp của Ai Cập. Tuy nhiên, hầu hết phản ứng của phương Tây đều là bằng các bản tuyên bố thay vì có các hành động cụ thể.
Mỹ đã đóng băng một số khoản viện trợ quân sự cho Ai Cập kể từ tháng 10/2013 sau khi ông Mursi bị lật đổ cũng như các cuộc đàn áp đẫm máu của nhà nước lâm thời Ai Cập nhằm vào những người ủng hộ ông Mursi.
Việc kết án tử hình gần 700 thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo một lần nữa cho thấy sự bất ổn chính trị của Ai Cập kể từ cuộc lật đổ chính phủ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào 25/1/2011.