Theo kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Thăm dò Pew về Tôn giáo và
Đời sống Cộng đồng, số người theo đạo Kitô (Thiên Chúa giáo) là khoảng
2,2 tỷ người (chiếm 32% dân số thế giới); đứng thứ hai là Hồi giáo với
1,6 tỷ người (chiếm 23% dân số thế giới); và nhóm người không theo tôn
giáo nào đứng ở vị trí thứ 3, với 1,1 tỷ (chiếm khoảng 16%). Tiếp theo,
một tỷ người theo đạo Hindu (chiếm 15%), gần 500 triệu theo đạo Phật
(chiếm 7%) và 14 triệu người theo đạo Do Thái (chiếm 0,2%). Những số
liệu trên được khảo sát đến hết năm 2010.
Thêm vào đó, 400 triệu người theo các tín ngưỡng khác, chiếm khoảng 6%
dân số thế giới. Khoảng 58 triệu người (chiếm 1% dân số thế giới) theo
các tôn giáo như đạo Baha’i, Đạo Jaina, đạo Sikh, Thần đạo, Đạo giáo,
Đạo Tenrikyo, Wicca và Zoroastrianism...
Sự phân bố địa lý của các nhóm tôn giáo cũng rất khác nhau. Những
người theo đạo Kitô nằm rải rác ở khắp nơi trên thế giới. Còn nhóm dân
số theo đạo Hindu và đạo Hồi tập trung đông nhất ở khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương, Trung Đông và châu Phi.
Trong khi đó, hơn 3/4 tổng số người không theo một tôn giáo, tín ngưỡng
nào chủ yếu phân bố ở khu vực châu Á. Đặc biệt, ở một số nơi tại Trung
Quốc thì có tỷ lệ người không theo tôn giáo nào là 6/10 (chiếm 62%), ở
châu Âu là tỷ lệ 1/6 (chiếm 18% dân số) và ở Bắc Mỹ là 17%.
Kết quả của cuộc khảo sát trên còn chỉ ra rằng, Cộng hòa Séc là quốc gia
đứng đầu trong danh sách các nước có nhiều người không có căn tính tôn
giáo nhất. Tiếp theo là Triều Tiên, Estonia, Nhật Bản, Hong Kong và
Trung Quốc.
Nhóm dân số không theo tôn giáo nào bao gồm những người vô thần
(người không theo và không tin một tôn giáo, một tín ngưỡng nào rõ rệt),
thuyết bất khả tri và một số người không cho rằng mình theo bất cứ tôn
giáo nào.
|
1/6 dân số thế giới không có căn tính tôn giáo. |
Một trong những lý do khiến sự phân bố của các nhóm tín đồ tôn giáo
có sự khác biệt về lãnh thổ địa lý đó là độ tuổi trưởng thành của con
người. Tại một số nước đang phát triển có xu hướng dân số trẻ thì tỷ lệ
người trưởng thành không theo tôn giáo nào (34 tuổi) thường cao hơn tuổi
trung bình của người trưởng thành thế giới (28 tuổi). Người Do Thái có
tuổi trung bình cao nhất (36), vị trí tiếp theo thuộc về người Hindu
(26) và Hồi giáo (23); Nhóm người theo đạo Kitô ở múc trung bình (30),
theo báo cáo của Diễn đàn Pew.
Một ví dụ cụ thể là khoảng 20% người trưởng thành ở Mỹ hiện nay không
theo tôn giáo nào, so với 15% vào năm 2007. Trong số những người ở độ
tuổi 18 - 29, có 32% không theo tôn giáo nào. Trung tâm nghiên cứu Pew
đặt tên cho nhóm này là người “không tín”.
Hầu hết những người Mỹ không theo tôn giáo nào cho biết họ không thể
tìm ra tín ngưỡng nào phù hợp với mình, trong khi chỉ có 10% cho biết họ
đang tìm hiểu một tôn giáo nào đó.
Nhóm “không tín” có những quan điểm trái ngược về tôn giáo. Khoảng
70% số người được hỏi cho biết các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo quá
quan tâm đến tiền bạc và quyền lực, dính líu quá nhiều tới chính trị, và
tập trung quá nhiều vào các luật lệ. Chỉ có một nửa nói rằng các giáo
hội bảo vệ và tăng cường đạo đức. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho
rằng, nhà thờ đưa mọi người lại gần nhau, củng cố cộng đồng và đóng một
vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người nghèo khổ, khó khăn.
Báo cáo này dựa trên dữ liệu của 2.500 cuộc điều tra dân số quốc gia,
các cuộc điều tra quy mô lớn về dân số. Kết quả chỉ ra rằng, sự phân bố
địa lý và nhóm độ tuổi trung bình của các tôn giáo, tín ngưỡng được
nghiên cứu ở 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.