Ông không chỉ chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, mà còn có công lớn trong việc mở mang nông nghiệp và thương nghiệp.
Sứ thần nhà Thanh phải khâm phục
Đào Vũ Thường sinh năm Giáp Thân (1704) tại làng Yên Lữ, huyện Thanh Lan, nay thuộc xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Người xưa kể lại rằng, khi còn nhỏ tuổi Đào Vũ Thường thông minh, học giỏi, đối đáp trôi chảy, là một con người lịch thiệp. Năm Quý Mão (1723), lúc 19 tuổi Đào Vũ Thường thi đậu cống cử, được nhà Lê bổ nhiệm chức Huấn đạo huyện Thanh Lan. Ông vừa làm thầy dạy học vừa trông coi việc học hành cho dân chúng trong huyện.
Đào Vũ Thường là người thầy mẫu mực, đức độ, học sinh theo học ngày một đông. Tuy công việc dạy học và công việc ở huyện nha rất bận rộn nhưng Đào Vũ Thường vẫn kiên trì tự mình học tập dùi mài kinh sử, tích lũy kiến thức ngày một uyên thâm. Năm Bính Dần (1746), nhà vua tổ chức kỳ thi Đình để kén chọn nhân tài. Hơn 2.000 cống sĩ về kinh dự thi, nhà vua đã chọn được 4 tiến sĩ đỗ thủ khoa đó là Đào Vũ Thường (làng Yên Lữ, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Như Trúc (Thư Trì, Thái Bình), Trần Đình Tốc (Thanh Hà, Hà Tĩnh) và Đoàn Văn Thu (Phù Lỗ, Vĩnh Phúc) - khoa thi Bính Dần, niên hiệu Cảnh Hưng 7 (1746) đời Lê Hiển Tông.
Khi đỗ tiến sĩ, Đào Vũ Thường được nhà vua phong chức Công khoa cấp sự trung, trông nom việc chung của triều đình. Nhân có sứ nhà Thanh sang nước ta, nhà vua cử Đào Vũ Thường ra tiếp đón, đàm đạo. Trước lời lẽ kẻ cả coi thường thiên hạ của sứ thần Trung Hoa, Đào Vũ Thường bình thản dùng những câu thơ uyên bác, đối đáp rất trôi chảy, khiến sứ thần nhà Thanh phải giật mình kính phục.
|
Tranh minh họa. |
Gia tài không có gì
Sau lần tiếp sứ Thanh vẻ vang cho dân tộc, Đào Vũ Thường được thăng chức Nghệ An Thanh bình hiến sát sứ trông coi việc pháp luật của ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Ninh Bình. Vài năm sau Đào Vũ Thường lại được thăng chức Ngự sử Kinh Bắc. Trong những năm tháng làm quan dưới thời Hậu Lê, Đào Vũ Thường luôn giữ được đức độ thanh liêm chính trực, phân xử hết sức công minh, lấy được lòng tin yêu của dân chúng. Ông mất ngày 23/7/1754 tại Nghệ An, khi vừa bàn giao công việc cũ để đi nhậm chức ở Kinh Bắc.
Suốt hơn 30 năm làm nghề dạy học rồi làm quan thanh liêm Đào Vũ Thường đã góp phần trí tuệ, tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng non sông đất nước. Ông cũng có công lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và thương nghiệp như việc tổ chức đào sông Văn Giang, mở mang các chợ làng để dân chúng buôn bán, trao đổi hàng hoá.
Làm quan đến chức Ngự sử Kinh Bắc nhưng cuộc sống riêng của ông rất đạm bạc, gia tài không có gì ngoài tấm bia ghi lại sự nghiệp của ông được đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một tấm biển với bốn chữ Ấn tứ vinh quy và một lá cờ thêu dòng chữ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Những di vật ấy hiện được lưu giữ tại nhà thờ họ Đào ở Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình. Từ đường tiến sĩ Đào Vũ Thường đã được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử ngày 18/8/1994.