Khi được đặt lên bàn cân với những vị đại tiên, yêu quái từng xuất hiện trong Tây Du Ký, nhân vật chính Tôn Ngộ Không xếp tại nửa sau danh sách những nhân vật có võ công lợi hại nhất. Danh sách 10 nhân vật có võ lực thâm hậu nhất bao gồm:
10. Na Tra Tam Thái tử (Võ lực: 91 điểm)
Na Tra là một vị thần có pháp lực cao cường, đứng vào hàng những vị thần cao cấp nhất của Thượng giới. Tam Thái tử có khả năng biến hình ba đầu, sáu tay, tay cầm sáu thứ binh khí.
Trong Tây Du Ký, sau khi địch không lại Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không đã phải nhờ Na Tra đến giúp sức, bị Tam Thái tử đánh bại, Ngưu Ma Vương mới chịu khuất phục.
9. Ngưu Ma Vương (Võ lực: 92 điểm)
Ngưu Ma Vương vốn là huynh đệ kết nghĩa với Tôn Ngộ Không, nhân vật này được Ngô Thừa Ân miêu tả là có 72 phép biến hóa, ngang ngửa Ngộ Không, thân hình to lớn vạm vỡ và có vũ khí lợi hại là cây đinh ba rất lớn.
Trong trận chiến với Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không gặp nhiều khó khăn và phải nhờ tới sự giúp đỡ của Na Tra Thái tử.
8. Kim Sí Điểu (Võ lực: 94 điểm)
Kim Sí Điểu là tam đệ trong ba đại ma vương thống lĩnh núi Sư Đà. Nếu phép cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không có thể đi 10 vạn 8000 dặm thì chỉ cần một lần vỗ cánh, Kim Sí Điểu cũng đã bay được 9 nghìn dặm.
Nếu Tôn Ngộ Không từng đại náo thiên cung thì Kim Sí Điều cũng từng đại náo Tây thiên và khiến 500 vị la hán phải bó tay trong việc thu phục hắn.
7. Tôn Ngộ Không (Võ lực: 95 điểm)
Với 8 điểm cộng nhờ sự lợi hại của gậy Như Ý, võ lực của Tôn Ngộ Không được chấm 95 điểm. Tôn Ngộ Không vốn được sinh ra từ tảng đá, là đệ tử chân truyền của Bồ Đề Sư tổ, học được 72 phép thần thông, phép cân đẩu vân, trong nháy mắt có thể đi xa 10 vạn 8000 dặm (hơn một nửa vòng trái đất), đồng thời sở hữu gậy Như ý lấy được ở Đông Hải Long cung.
Sau khi đại náo thiên cung, địch lại thiên binh vạn mã, Tôn Ngộ Không tự xưng là Tề thiên đại thánh, tuy nhiên, nhân vật chính của danh tác Tây Du Ký chỉ xếp thứ 7 trong số 10 cao thủ.
6. Lục Nhĩ hầu (Võ lực: 95 điểm)
Cái tên Lục Nhĩ Hầu xuất hiện trong tập “Chân giả Mỹ Hầu Vương” trong phần 2 của bộ phim được sản xuất năm 2000.
Sau khi tranh cãi và đấu tay đôi bất phân thắng bại, Tôn Ngộ Không và Lục Nhĩ Hầu đã cùng đi khắp trời đất nhưng từ Đường Tăng, Ngọc Hoàng, Long Vương, Diêm Vương đến Quan Thế Âm Bồ Tát, dùng cả kính chiếu yêu tới niệm chú vòng kim cô đều không phân biệt được thật giả.
Cuối cùng, chỉ có Như Lai Phật Tổ nhận ra, Lục Nhĩ Hầu là con khỉ có sáu tai, nghe thông tường hết mọi chuyện trên trời đất, pháp lực ngang ngửa Ngộ Không. Lục Nhĩ Hầu không chỉ khiến Tôn Ngộ Không mà còn làm cho các vị Bồ Tát, thần tiên một phen khốn đốn.
5. Hồng Hài Nhi (Võ lực: 96 điểm)
Võ lực của Hồng Hài Nhi được tăng cường nhờ binh khí Hỏa linh thương (7 điểm). Lần đối đầu “muối mặt” nhất của Tề thiên đại thánh có lẽ là trận thua trước Hồng Hài Nhi.
Cả ba huynh đệ đều suýt bị Tam Muội Chân Hỏa - ngọn lửa không thể bị dập tắt bởi nước thông thường – thiêu chết.
Tôn Ngộ Không vẫn sống sót và thoát khỏi lò bát quái của Thái Thượng lão quân, vậy mà suýt mất mạng bởi ngọn lửa của Hồng Hài Nhi. Phải nhờ Quan Âm Bồ tát, sư đồ Đường Tăng mới được an toàn.
tây du ký
4. Nhị Lang Thần (Võ lực 97 điểm)
Võ công của Nhị Lang thần chỉ là 91, nhưng nhờ sự lợi hại của tam tiêm lưỡng nhận đao (cây đinh ba hai lưỡi - 2 điểm) và chú chó thông minh Khiếu thiên khuyển (4 điểm) nên võ lực được tăng cường.
Khi giao chiến với Nhị Lang Thần, Tôn Ngộ Không không có cách nào địch nổi, đành dùng 72 phép biến hóa để tháo chạy, nào ngờ đối thủ có tới 73 phép thần thông.
Nhị Lang thần có tới 3 mắt và có khả năng nhìn thấu mọi phép biến hóa của Ngộ Không. Khi Ngộ Không biến thành rắn, Nhị Lang thần liền biến thành loài chim ăn rắn, khi Ngộ Không biến thành chim ưng, Lang thần liền biến ngay thành cung tên triệt hạ; thêm vào đó, “hỏa nhãn kim tinh” của Ngộ Không chỉ có tác dụng với yêu quái, khi gặp thần tiên như Nhị Lang thần thì ngay lập tức trở thành đồ bỏ đi.
3. Lão sư Vương Ma Đầu (Võ lực 98 điểm)
Lão sư Vương Ma Đầu vốn là một con sư tử thành tinh, hoành hành ở một vương quốc thuộc Tây vực. Sau khi cướp hết vũ khí của ba huynh đệ Ngộ Không rồi bị phá động, Vương Ma Đầu đã nổi giận, bắt cóc Đường Tăng và Bát Giới, Sa Tăng cùng ba con trai của quốc vương nơi này.
Ngộ Không may mắn trốn thoát và phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bồ Tát để thu phục lão sư Vương Ma Đầu.
2. Trấn Nguyên Đại tiên (Võ lực: 99 điểm)
Sự hợp lực của ba huynh đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng được coi là trận pháp siêu cường của thiên địa thời điểm đó, nó được ví như sự kết hợp của hải – lục – không quân thời hiện đại.
Tuy vậy, ba huynh đệ Tôn – Trư – Sa hợp sức đều không thể địch lại Trấn Nguyên Đại tiên, hơn nữa lại còn bị nhốt vào túi Càn Khôn, đủ để thấy võ công của vị đại tiên này lợi hại tới mức nào.
1. Bồ Đề lão tổ (Võ lực: 100 điểm)
Bồ Đề lão tổ là một trong những nhân vật xuất hiện sớm nhất trong Tây Du Ký, lão tổ này an cư tại trên núi và ít xuất đầu lộ diện. Dù pháp lực vô biên, nhưng ít người biết đến.
Vị đại tiên này chỉ cần 3 năm để truyền dạy cho Ngộ Không thuật trường sinh bất lão, 72 phép biến hóa và thuật cân đẩu vân.
Tôn Ngộ Không chỉ theo Bồ Đề lão tổ 10 năm, mà đã có thể đại náo thiên cung, vậy Bồ Đề Lão tổ tu luyện ngàn năm, võ công và nội lực liệu có ai bằng.