Kiến Thức xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: "Những đại cao thủ trong lịch sử võ thuật Trung Quốc".
Trong lịch sử hàng ngàn năm của
võ thuật Trung Quốc, có rất nhiều đại cao thủ đã luyện tập thành công nhiều bí kíp, tuyệt kỹ. Hầu hết các đại cao thủ đã góp phần sáng tạo, tổng quát để xây dựng lên những
trường phái võ thuật danh tiếng. Nhưng phần lớn những đóng góp của họ thường gắn liền với truyền thuyết khai môn ly kỳ, ít được sử sách chép lại mà chủ yếu lưu truyền giai thoại trong dân gian. Tuy nhiên vẫn có những đại võ sư, võ tướng mà uy danh võ nghệ lừng lẫy, để lại cho hậu thế những di sản võ thuật vô cùng quý báu.
Bài 1: Nhạc Phi - Chưởng môn Nhạc gia quyền
Đầu thế kỷ XII, lịch sử
Trung Quốc ghi nhận sự bùng nổ của phong trào kháng chiến chống quân Kim mà chủ soái là Nhạc Phi đã lưu danh sử sách. Quân Kim từng than: "Lay đổ núi dễ, giáp chiến quân Nhạc Phi khó". Bởi quân Nhạc Phi (gọi là Nhạc gia quân) có tính kỷ luật nghiêm, chủ soái chỉ huy oai dũng, còn một điểm nữa là họ nắm vững môn "Nhạc gia quyền" danh tiếng do chính chủ soái Nhạc Phi sáng tạo ra.
|
Tượng Nhạc Phi, trong miếu thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Bốn chữ trên bảng là "Hoàn ngã hà sơn" (đọc từ phải sang) - "Hoàn lại núi sông của ta". Nguồn: Wikipedia.
|
Nhạc Phi (1103-1142) là danh tướng chống quân Kim nhà Nam Tống, tên chữ là Bằng Cử, người Thang Âm (nay thuộc tình Hà Nam). Từ thiếu niên đã có khí tiết, là người trầm tĩnh dứt khoát, nhà nghèo nhưng chăm chỉ, thích độc binh pháp Tôn, Ngô (tức Tôn Tử và Ngô Khởi, hai danh tướng đời Chiến Quốc). Sinh ra vốn đã có sức khỏe, chưa đến 20 tuổi đã kéo được cây cung nặng 300 cân (đơn vị trọng lượng cổ Trung Hoa), giương nỏ nặng 8 thạch (thạch là đơn vị trọng lượng xưa, nặng bằng 10 đấu). Sau học bắn với Chu Thống- một cung thủ bách phát bách trúng- học xong Nhạc Phi đã có thể bắn được cả hai bên trái phải.
Trong thời niên thiếu, ngoài học bắn cung với Chu Thống, Nhạc Phi còn lặn lội tìm học võ nghệ với các cao thủ trong vùng. Với bản tính chăm chỉ, thông minh, ham học hỏi, ông đã sáng tạo ra một quyền pháp nổi tiếng mà dân gian gọi là "Nhạc gia quyền" không gì so sánh nổi lúc bấy giờ. Quyền họ Nhạc có chỗ khác là: "Chân là hai cái rễ, toàn dựa tay trên thân" của Nam quyền, khác với quyền phía Bắc "tay là hai cánh cửa, dựa trên chân ra đòn". Yêu cầu của quyền là: tay đến chân đến, tay lên chân xuống như cung phóng tên, một phát là trúng". Đây là điển hình cho sự vận dụng các quyền pháp khác dùng tay, khuỷu, chân, thân xuất chiêu cùng lúc.
Năm Tuyên Hòa thứ tư (1122, đời Tống Huy Tôn Lý Cát, làm vua từ 1101-1126 nhà Bắc Tống), Nhạc Phi đầu quân, trải trăm trận trăm thắng, công lao rất lớn, uy danh lừng lẫy. Ngoài tài thao lược, ông còn là một dũng tướng siêu quần, rất giỏi một mình một ngựa đại phá quân địch, giỏi phép lấy ít chống nhiều. Trong chiến dịch chống lại quân Kim mạnh mẽ, ông một mình một ngựa xông lên chém chết kiêu tướng Giả Tiến Hòa, múa đao tả xung hữu đột khiến quân Kim tan tác. Một lần vượt sông tấn công quân Kim, ông đã bắt sống tướng Kim là Tháp Bạt Da Ô, lại một mình một ngựa xách cây thương sắt trượng tám đâm chết một tướng Kim khác giữa trận tiền. Năm Kiến Viêm thứ 3 (1129, đời tống Cao Tôn Triệu Cấu), Nhạc Phi dũng mãnh dẫn 800 quân giao chiến với 50 vạn quân Kim do tướng Khổng Ngoạn Châu thống lĩnh, một mình ông phi ngựa xông vào cướp trại, đám võ sĩ cưỡi ngựa chạy quây tròn bảo vệ chủ tướng. Từ trên lưng ngựa, ông tung mình bay qua cả ba tên võ sĩ, chém chết Khổng Ngoạn Châu ngay giữa trại.
Ngoài ra, Nhạc Phi còn rất giỏi huấn luyện binh sĩ. Khi quân nghỉ đánh trận, ông thường đốc thúc tướng sĩ mặc giáp trụ nặng nề, luyện tập leo đèo, vượt hào, đích thân ông dẫn đầu luyện tập. Nhạc Phi đặc biệt chú trọng truyền dạy Nhạc gia quyền cho con cái và binh lính, chính vì vậy người đời gọi quân đội của ông là "Nhạc gia quân", bởi tất thảy đều là những võ sĩ thuần thục Nhạc gia quyền. Ông còn huấn luyện binh sĩ sử dụng linh hoạt thủ thuật, kỹ pháp chiến đấu trên chiến trường.
|
Dũng tướng Nhạc Phi trên phim ảnh. Ảnh minh họa. Nguồn: Art.rolo.vn.
|
Năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), quân Kim cậy mạnh khỏe, người nào cũng mặc áo giáp nặng, cột 3 ngựa liền nhau gọi là "quải tử mã" khiến quân Tống không sao ngăn nổi. Nhạc Phi lệnh cho quân cầm mã tấu xung trận, độn thêm giáp lưng dày thêm, không cho nhìn lên mà chỉ lo cúi xuống chặt chân ngựa, một con què khiến hai con cũng không đi nổi. Trận này chỉ với gần 1.000 tinh binh, quân Tống khiến quân Kim mất một vạn năm ngàn ngựa và thảm bại. Kim Ngột Truật phải than rằng: "Từ khi khởi binh đến nay, toàn dựa vào "quải tử mã" để đánh, giờ thế là hết".
Võ nghệ siêu quần, anh dũng thiện chiến là vậy nên Nhạc Phi bị gian thần ghen ghét. Năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142, đời Tống Cao Tôn Triệu Cấu nhà Nam Tống), gian thần Tần Cối vu cho ông làm phản. Trước văn võ bá quan, đại tướng Hàn Thế Trung chất vấn Tần Cối là có chứng cớ không, thì Tần Cối trả lời là "có thể có", với ý là "có thể có tội". Nhạc Phi bị xử tử năm ông mới 39 tuổi. Cái chết oan ức của ông đã trở thành đề tài cho nhiều vở kịch, phim châm biếm, mỉa mai thói xu nịnh, vu cáo người khác với thành ngữ nổi tiếng trong dân gian "có thể có tội".
Sau khi Nhạc Phi chết, hai con ông là Nhạc Đình, Nhạc Chấn đổi thành họ Ngạc nhằm tránh sự truy lùng "diệt cỏ tận gốc" của Tần Cối, được Nhiếp Phúc Tuấn- tộc trưởng của Nhiếp Gia loan, người có quen biết với Nhạc Phi- che giấu trong nhà thờ họ. Hai anh em họ Nhạc ở tịt trong nhà thờ, suốt ngày sao lục chỉnh lý quyền phổ Nhạc gia, đêm khuya vắng lại luyện tập từng chiêu thức. Để báo thù rửa oan cho cha, hai anh em họ Nhạc đã bí mật luyện quân, cho yếu là người họ Nhiếp.
Về sau án oan này được "chiêu tuyết" (rửa oan), Nhạc Phi được truy phong tước "Ngạc vương", hai con ông Nhạc Đình, Nhạc Chấn được vời ra làm quan nhưng họ đã từ chối, quyết ở ẩn luyện võ nhờ thế mà Nhạc gia quyền phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy. Tới thời vua Quang Tự đời Thanh (1876) đã có tới 300 người đỗ võ cử nhân, võ tiến sĩ là các đại cao thủ của Nhạc gia quyền. Cho đến nay, có tới vài trăm người là quyền sư trứ danh của môn này trên khắp Trung Hoa.