Phận đời chìm nổi của hoàng hậu bất hạnh nhất triều Trần

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc đời của Quang Loan hoàng hậu tiêu biểu cho số phận hẩm hiu, trôi dạt của người phụ nữ nơi hậu cung cuối thời Trần, đầu thời Hồ.

Người phụ nữ ấy là Quang Loan Hoàng Hậu. Bà nguyên tên Trần Thục Mỹ, là thứ nữ của Hoàng Đế Trần Nghệ Tông (1370-1372). Năm 1370, sau khi dẹp xong loạn Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông chính thức trở thành Hoàng Đế thứ tám của nhà Trần. Trần Thục Mỹ được Nghệ Tông phong làm Công Chúa Thiên Huy. Từ đó, Công Chúa Thiên Huy cảm thấy hậu vận rất hanh thông, không phải lo lắng điều gì. Điều bận tâm của Thiên Huy chỉ là tiếp tục học tập lễ nghi, trau dồi phẩm hạnh và chờ ngày xuất giá mà thôi. Nhưng Thiên Huy không thể ngờ rằng, từ khi trở thành Công Chúa, cuộc đời của bà luôn gắn với những biến động lớn của triều đình và đất nước - một cuộc đời nhiều phen chìm nổi mãi không thôi.
Tột đỉnh vinh quang và nỗi đau đến từ phụ hoàng
Trần Nghệ Tông ở ngôi được hai năm thì nhường ngôi cho em trai là Cung Tuyên Đại Vương Trần Kính để tự lên làm Thái Thượng Hoàng. Trần Kính nối ngôi, đó là Hoàng Đế Trần Duệ Tông (1373-1377). Căm giận vì Chiêm Thành ở phía Nam thường xuyên đem quân tấn công Đại Việt, kể từ khi lên ngôi, Trần Duệ Tông ráo riết chuẩn bị Nam chinh. Tháng 12 năm Bính Thìn (1376), Trần Nghệ Tông xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đầu năm sau (1377), đại quân Trần tiến vào địa phận Chiêm Thành. Do trúng kế vua Chiêm là Chế Bồng Nga, Trần Duệ Tông chủ quan thúc quân tiến thẳng vào trại địch và rơi vào ổ phục kích của chúng. Trần Duệ Tông cùng nhiều tướng tá cao cấp khác tử trận. Bị đại bại, quân Trần phải rút lui, mang theo một nỗi nhục lớn cho quốc thể.
Thượng Hoàng Nghệ Tông nhận hung tin, bèn nhanh chóng quyết định hai việc. Một là chọn lập Hoàng Đế mới. Cho rằng Duệ Tông vì nước mà mất, như một hành động báo đáp, Nghệ Tông đã đón con trưởng của Duệ Tông là Kiến Đức Đại Vương Trần Hiện lên ngôi, tức là Trần Phế Đế (1377-1388). Hai là, Nghệ Tông phong người tôn thất là Cung Chính Vương Trần Sư Hiền làm Trấn Quốc Tướng Quân, đem quân giữ cửa biển Đại An để ngăn chặn Chiêm Thành đang thừa thắng đánh ra. Nhờ hai quyết định trên, triều đình nhà Trần không bị xáo trộn lớn, còn Chiêm Thành cũng phải rút lui.
Sau khi tạm giải quyết mối lo từ Chiêm Thành, Trần Nghệ Tông thấy rằng phải củng cố ngôi vị cho tân Hoàng Đế. Để củng cố ngôi vị, trước tiên phải chọn lập Hoàng Hậu. Suy đi tính lại, Trần Nghệ Tông thấy tốt nhất nên gả Công Chúa Thiên Huy cho Trần Hiện, như thế sẽ làm cho mối quan hệ giữa Thượng Hoàng với Quan Gia (một tên gọi khác của Hoàng Đế thời Trần) thêm khăng khít hơn. Tháng 9 năm Đinh Tị (1377), Công Chúa Thiên Huy được Trần Hiện sắc phong làm Hoàng Hậu, hiệu là Quang Loan. Đối với Thiên Huy mà nói, trở thành Hoàng Hậu cao quý là vinh quang to lớn không phải vị Công Chúa nào cũng có thể chạm tới.
Phan doi chim noi cua hoang hau bat hanh nhat trieu Tran
 Cuộc đời của Hoàng Hậu Quang Loan luôn gắn với những biến động lớn cuối thời Trần. Ảnh minh họa.
Từ ngày trở thành Hoàng Hậu, Quang Loan luôn làm tốt phận sự chưởng quản hậu cung. Càng vui mừng hơn khi Quang Loan đã sinh được Hoàng Tử và người con đó liền được phong Thái Tử. Với Quang Loan, ngôi vị Hoàng Thái Hậu kể như đã nằm chắc trong tay.
Nhưng thế sự đẩy đưa khó lường trước được. Hoàng Đế Trần Hiện dẫu là quân trưởng của đất nước nhưng vẫn phải tuân kính Thượng Hoàng Nghệ Tông, và oái ăm thay, Thượng Hoàng lại rất mực tin tưởng đối với người ngoại thích là Hồ Quý Ly. Bởi thế, Hồ Quý Ly có thể thao túng được hầu hết các công việc của triều đình, khiến Hoàng Đế Trần Hiện cảm thấy ngôi vị và đế nghiệp của dòng họ bị đe dọa. Thế là, Trần Hiện mật bàn kế tiêu diệt Hồ Quý Ly với những đại thần thân tín. Chẳng ngờ mưu ấy bị lộ. Lợi dụng sự tin yêu của Thượng Hoàng với mình và nỗi oán giận của Thượng Hoàng với Trần Hiện vì Trần Hiện đã giết con của Thượng Hoàng là Trần Húc, Hồ Quý Ly đã gièm pha với Nghệ Tông rằng: “Chưa thấy ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con”. Nghệ Tông già lú lẫn, cho lời nói của Hồ Quý Ly là chí lí. Để rồi, Nghệ Tông đã xuống tay phế truất và sát hại dã man đối với Trần Hiện. Thái Tử của Trần Hiện cũng bị giáng làm Thuận Đức Vương.
Sự việc trên xảy ra tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), nghĩa là 11 năm sau ngày Quang Loan được lập làm Hoàng Hậu. Trong phút chốc, Quang Loan vừa mất chồng vừa mất cả ngôi vị - từ Hoàng Hậu bị giáng xuống làm Công Chúa của Thượng Hoàng như cũ. Quang Loan bị Phụ Hoàng đẩy đến chỗ nhà tan cửa nát. Đó là một nỗi đau quá lớn khó mà lắng dịu được.
Tái giá – thêm nỗi xót xa
Sau khi mất ngôi Hoàng Hậu, Quang Loan trải qua những tháng ngày cô đơn trong cung cấm với tâm sự u uất không biết ngỏ cùng ai. Lúc bấy giờ, người tôn thất là Trần Nguyên Uyên, đang giữ chức Phủ Quân Ty, vì nhiệm vụ thường ra vào trong cung nên có dịp quen biết Quang Loan. Trần Nguyên Uyên cũng rất căm giận Hồ Quý Ly nên đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của Quang Loan. Mối quan hệ giữa hai người từ đó thêm thân thiết và Quang Loan cũng dần cảm thấy nguôi ngoai hơn.
Theo thời gian, cùng với sự gắn bó ngày càng thắm thiết, giữa Quang Loan và Nguyên Uyên phát sinh tình cảm yêu đương. Cuối năm Quý Tỵ (1393), trong một buổi tối dạo chơi Hồ Tây, Quang Loan gặp Nguyên Uyên. Hai người không thể kìm nén tình cảm được nữa và đã quyện lấy nhau…
Lại nói về Trần Nghệ Tông. Sau khi giết chết Trần Hiện, Nghệ Tông lập con út của mình lên ngôi và vẫn phó thác mọi việc quốc gia đại sự cho Hồ Quý Ly. Vị Thượng Hoàng này trong một lần nhìn thấy Quang Loan, tự nhiên mủi lòng thương cảm, bèn nảy ra ý kén rể cho con gái. Chuyện chưa đến đâu thì Nghệ Tông nghe biết Quang Loan và Nguyên Uyên tư tình với nhau. Nghệ Tông cảm thấy mất hết thể diện, liền trút mọi bực tức lên đầu con gái. Phải làm cho Quang Loan bẽ mặt thì Nghệ Tông mới hài lòng. Vì thế, tháng 10 năm Quý Dậu (1393), bất chấp chuyện Quang Loan có tình cảm với Nguyên Uyên, Nghệ Tông đã đem con gái gả cho Trần Nguyên Hãng (em trai của Nguyên Uyên). Đã một lần dồn Quang Loan vào cảnh gia đình tan vỡ, đến đây, Trần Nghệ Tông lại nhẫn tâm rẻ rúng hạnh phúc của con gái.
Tái giá trong bẽ bàng và đau khổ, Quang Loan không thể làm gì hơn để phản đối sự sắp đặt ác ý của Phụ Hoàng. Người ta tái hôn để tìm niềm hạnh phúc mới, còn Quang Loan tái giá chỉ để chất chứa thêm nỗi xót xa. Cơ nghiệp họ Trần vẫn ngày càng nghiêng ngả, số phận của Quang Loan dường như cũng bị cuốn vào sự ngả nghiêng ấy đến kết thúc mới thôi.
Phận đâu phận bạc như vôi
Trở thành phu nhân của Trần Nguyên Hãng, Quang Loan được chồng hết lòng thương yêu chăm sóc nên dần lấy lại cân bằng. Một cuộc đời mới sáng sủa đang dần mở ra với Quang Loan. Cùng lúc ấy, vận mệnh nhà Trần đang lung lay đến tận gốc rễ.
Năm 1394, Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông băng hà, Hồ Qúy Ly lần lượt thủ tiêu những người chống đối và cất nhắc tay chân nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong triều. Năm 1397, Hồ Quý Ly ép Hoàng Đế Trần Thuận Tông dời đô từ Thăng Long (Hà Nội) vào Tây Đô (Thanh Hóa). Đến năm sau, Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái Tử mới hai tuổi và sau đó, bức tử Thuận Tông. Ngày Hồ Quý Ly chiếm ngôi họ Trần không còn bao xa nữa.
Trước tình thế ấy, những tôn thất và quan lại ưu thời mẫn thế không thể ngồi im. Thái Bảo Trần Nguyên Hãng là một trong số đó. Ngôi nhà bình yên của vợ chồng Quang Loan dần trở nên náo nhiệt, sục sôi bởi sự lui tới nghị luận của những người cùng chí hướng vời Trần Nguyên Hãng. Từ ngôi nhà này, một kế hoạch lớn được thông qua và sắp được triển khai.
Phan doi chim noi cua hoang hau bat hanh nhat trieu Tran-Hinh-2
 Núi Đốn Sơn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Ảnh: Internet.
Tháng 4 năm Kỷ Mão (1399), Hồ Quý Ly triệu tập hội thề Minh Thệ ở núi Đốn Sơn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Hội thề Minh Thệ là hội thề được tổ chức thường niên trong suốt thời Lý – Trần. Tại Đốn Sơn, Trần Nguyên Hãng cùng Trụ Quốc Trần Nhật Đôn, Thượng Tướng Quân Trần Khát Chân, Hành Khiển Lương Nguyên Bưu và nhiều tôn thất, triều thần khác quyết định hạ thủ Hồ Quý Ly. Khi sát thủ sắp ra tay thì Trần Khát Chân đột nhiên chột dạ và ngăn lại. Hồ Quý Ly biết có biến, vội đứng dậy bỏ về và sai thuộc hạ điều tra. Phát giác âm mưu ám sát mình, Hồ Quý Ly đã ra lệnh bắt giết Trần Nguyên Hãng, Trần Khát Chân và những người liên quan, tổng cộng là 370 người. Đây là vụ tru di lớn nhất thế kỉ XIV. Sau sự kiện này, những đối thủ tiềm ẩn cuối cùng của Hồ Quý Ly đã bị tiêu diệt, để đến năm sau (1400), Hồ Qúy Ly chính thức lập nên nhà Hồ.
Cùng lúc với thời điểm Trần Nguyên Hãng bị giết, gia sản của ông và những người đồng mưu bị tịch thu, còn người nhà thì đàn ông con trai một tuổi trở lên bị chôn sống hoặc dìm nước đến chết, đàn bà con gái bị bắt làm nô tì, phân phát cho các nhà thế gia, quan chức. Phu Nhân Quang Loan cũng nằm trong số đó. Tiếc rằng, sử sách không cho biết bà bị phân phát đến gia đình nào.
Là cành vàng lá ngọc nhà Trần, sau bao phen chìm nổi của cuộc đời, Quang Loan bị đẩy xuống tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội là nô tì. Những tưởng cuối đời sẽ được yên ổn, nào ngờ Quang Loan phải gánh chịu thêm một nỗi bất hạnh mới, đắng cay tủi nhục muôn phần so với những nỗi đau trước đó. Cuộc đời của Quang Loan là tiêu biểu cho số phận hẩm hiu, trôi dạt của người phụ nữ nơi hậu cung cuối thời Trần, đầu thời Hồ – những người bạc phận phải sống trong một giai đoạn đầy biến động và loạn ly của đất nước.
Nguyễn Thanh Tuyền

Bình luận(0)