Ông vua cuối cùng VN: Kết thúc không có hậu

Google News

(Kiến Thức) - Một nhà báo Pháp có mặt tại lễ đăng quang của Bảo Đại đã mô tả, ông vua nhỏ được trang sức xúng xính "như một hộp đựng bảo vật".

Bảo Đại là ông vua thứ 13 triều Nguyễn, thuộc hệ chữ Vĩnh (Vĩnh Thụy). Đến khi thoái vị không chỉ kết thúc triều Nguyễn mà còn kết thúc chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm trong lịch sử của nước ta.
Học làm vua ở Pháp
Vĩnh Thụy sinh năm 1913, được coi là con vua Khải Định, mặc dù chuyện này còn có nhiều nghi vấn. Chính phủ bảo hộ giao cho viên cựu khâm sứ Pháp Charles nhận làm con nuôi. Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo đem hoàng tử con sang Paris. Sau khi kết thúc chuyến thăm Pháp, Khải Định trở về nước, để con ở lại nhà Charles cho ăn học.
Năm 1925, Khải Định ốm chết, khi ấy Vĩnh Thụy 13 tuổi, được đưa trở về nước chịu tang và lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Lễ đăng quang diễn ra tại điện Thái Hòa, kinh thành Huế, trước sự chứng kiến của viên Toàn quyền Alexandre Varenne, Khâm sứ Pierre Pasquier và cha nuôi Charles. Một nhà báo Pháp có mặt hôm ấy đã mô tả, ông vua nhỏ được trang sức xúng xính "như một hộp đựng bảo vật".
Sau đó, Bảo Đại giao toàn bộ việc nước cho chính phủ bảo hộ Pháp, còn việc triều chính thì có một Hội đồng Phụ chính đảm nhiệm. Bảo Đại tiếp tục sang Pháp để được đào tạo "học làm vua". Nước Pháp đã hoàn thành việc xâm chiếm cả ba cõi Đông Dương, chia nước ta thành ba kỳ với chế độ khác nhau, cùng với Lào và Campuchia gộp lại là Liên bang Đông Dương. Phủ Toàn quyền Đông Dương đóng tại Hà Nội. Nhưng nhân dân ta vẫn không ngừng nổi dậy chống ách nô lệ. Tên cai thầu ác ôn Bazin mộ phu đi Tân Thế giới bị ám sát. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng nổ ra và bị thảm sát. Toàn quyền Paul Doumer cũng bị ám sát...
Vua Bảo Đại. 
Những cải cách mang tính hình thức
Năm 1932, Bảo Đại vừa 19 tuổi được đưa về nước. Trên con tàu d'Artagnan, nhà vua trẻ gặp một cô tiểu thư xinh đẹp. Đó là Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái một đại phú gia ở Nam Kỳ. Nàng được đi du học và cũng vừa tốt nghiệp trung học trở về nước. Không biết tình cờ hay có sự bố trí khéo léo của quan thầy Pháp, chuyến đi này đã tạo nên mối duyên tình giữa hai người. Và hai năm sau Bảo Đại đã làm lễ kết hôn với cô tiểu thư này.
Ngồi trên ngai vàng, ông vua trẻ Tây học cũng muốn bắt chước phương Tây để đưa ra một số cải cách trong triều, nhưng không được vượt ra khỏi khuôn khổ những gì "nước mẹ" Đại Pháp cho phép. Ông cho hàng loạt những cựu thần Hán học có tuổi và phần nào vẫn còn lòng ái quốc về hưu, thay thế bằng những người trẻ "tân tiến" như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng...
Bảo Đại đã đưa ra một số thay đổi mang tính hình thức, như các quan trong triều không phải quỳ lạy trước mặt vua. Những vị tân quan có thể ăn mặc âu phục, không phải mặc khăn đóng áo dài. Mạnh dạn nhất là ông ta dám bất chấp Thái hậu và triều đình, lấy Nguyễn Hữu Thị Lan là người theo đạo Thiên chúa làm vợ. Không những thế, lại tấn phong cho làm Hoàng hậu Nam Phương. Bởi triều đình nhà Nguyễn có quy định chỉ truy phong hoàng hậu khi đã qua đời. 
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn, Nam Phương được phá cách phong hoàng hậu ngay sau khi kết hôn. Nhà vua cũng chỉ lập một hoàng hậu duy nhất, chứ không tuyển hàng trăm cung tần mỹ nữ như các vị "tiên đế" (tuy nhiên, ông vua này cũng có rất nhiều "người tình" ). 
Câu tuyên bố nổi tiếng lúc thoái vị
Những cải cách của Bảo Đại chỉ mang tính hình thức, còn việc quốc gia đại sự đều do Toàn quyền Pháp điều khiển, Nam triều chỉ răm rắp theo đó mà thực thi. Còn nhà vua thì thoải mái lái ô tô, chơi thể thao, đánh bài bạc, đi du hí và đặc biệt là ham săn bắn.
Thực dân Pháp cũng chỉ đạo báo chí ca ngợi cách sống phóng khoáng của Bảo Đại và cổ vũ thanh niên bắt chước ông vua Tây hóa.
Nhưng thời thế đã đổi khác. Chiến tranh thế giới nổ ra. Nhật hất cẳng Pháp. Đế quốc Nhật đưa ra chiêu bài Đại Đông Á, trả lại độc lập trá hình cho Việt Nam. Bảo Đại được phép đứng ra thành lập chính phủ "Đế quốc Việt Nam" do học giả Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Chính phủ Trần Trọng Kim cũng mời được một số nhà trí thức có tinh thần yêu nước tham gia, nhưng họ đều thất vọng vì nhận ra chính phủ này chỉ là hữu danh vô thực, không thể đem lại độc lập cho dân tộc. Trong khi ấy, cả nước đang sôi động, mọi tầng lớp nhân dân tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh vùng lên đánh Pháp đuổi Nhật.
Chẳng bao lâu, Nhật đầu hàng đồng minh. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Một phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời do nhà sử học Trần Huy Liệu dẫn đầu từ Hà Nội được cử vào Huế đòi Bảo Đại thoái vị.
Ngày 30/8/1945, hàng vạn nhân dân đứng trước cửa Ngọ Môn đón chào phái đoàn. Bảo Đại mặc áo hoàng bào, hai tay dâng lên phái đoàn chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc quốc ấn nặng 7kg bằng vàng ròng. Trong chiếu thoái vị, ông từng tuyên bố một câu nổi tiếng: "Trẫm làm công dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Ông vua thứ hai của triều Nguyễn là Minh Mạng đã đặt ra bài Đế hệ thi để đặt tên đệm cho các thế hệ con cháu dòng trực hệ:
Miên Hồng Ưng Bữu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Khang Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương.
Ý nghĩa gửi gắm trong Đế hệ thi là dòng họ này sẽ được ngự trên ngai vàng truyền hết đời này sang đời khác. Bảo Đại là ông vua thứ 13 triều Nguyễn, thuộc hệ chữ Vĩnh (Vĩnh Thụy). Đến khi thoái vị không chỉ kết thúc triều Nguyễn mà còn kết thúc chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm trong lịch sử của nước ta.
Vua Bảo Đại lúc mới hồi loan. 
Một kết thúc không có hậu 
Nếu mọi chuyện dừng lại ở đây thì với Bảo Đại cũng là một kết thúc "có hậu", vì ông còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa. Nhưng trong một chuyến công cán sang Trung Quốc, ông đã bỏ đi không trở về. Quân Pháp tiến hành cuộc tái chiếm nước ta một lần nữa, Bảo Đại lại được đưa về làm vua bù nhìn. Sau đó ít lâu, chúng bày trò tấn phong Bảo Đại làm Quốc trưởng của Chính phủ quốc gia Việt Nam.
Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền. Trong khi Bảo Đại đang sống ở Paris, Thủ tướng Ngô Đình Diệm nhân danh Cộng hòa Việt Nam đã tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý phế truất "quốc trưởng" của Bảo Đại.
Từ đó, Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp cho đến khi chết.
Nguyễn Như

Bình luận(0)