Trần Thiếu Đế làm vua mà không biết mình là vua
Trần Thiếu Đế (1396 - ?), tên húy là An, là vua thứ 12 và là vua cuối cùng của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trưởng của vua Trần Thuận Tông, mẹ là Khâm Thánh hoàng hậu Thánh Ngâu, con gái lớn của Hồ Quý Ly. Ông được lên ngôi lúc mới 2 tuổi, chưa hiểu biết gì, khi ông ngoại mình là Hồ Quý Ly đã thao túng triều đình nhà Trần.
Ngay trong khi Thiếu Đế đang ở ngôi, năm 1399, Hồ Quý Ly đã tự xưng là Quốc tổ Chương hoàng đế, hành xử như một vị vua chính thức và một năm sau thì ép Thiếu Đế nhường ngôi. Vương triều Trần sụp đổ từ đó.
Trần Thiếu Đế bị phế bỏ nhưng vì là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết mà chỉ bị giáng xuống làm Bảo Ninh Đại vương. Sau này nhà Minh đem quân sang xâm lược nước ta, số phận của cựu hoàng này không rõ ra sao.
Vua Lê Cung Hoàng – con rối dưới tay Mạc Đăng Dung
Vua Lê Cung Hoàng (1507 – 1427) có tên húy là Lê Xuân là vị vua cuối cùng của thời Lê sơ. Ông là em ruột Lê Chiêu Tông, chắt của Lê Thánh Tông, được Mạc Đăng Dung lập lên để giữ danh chính khi Chiêu Tông trốn thoát vào năm 1522.
Sau khi Chiêu Tông bị giết, vai trò lá chắn của Cung Hoàng không còn. Đã đến lúc để Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê.
Ngày 15/6/1527, Mạc Đăng Dung đem quân vào kinh, bắt vua nhường ngôi. Triều thần lúc đó hầu hết đã là người của Đăng Dung hoặc theo Đăng Dung, tự khởi thảo chiếu nhường ngôi cho vua. Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế, tức là Mạc Thái Tổ, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức.
Lê Cung Hoàng bị giáng xuống làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, Đăng Dung ép mẹ con Cung Hoàng phải tự tử. Lê Cung Hoàng ở ngôi được 5 năm, thọ 21 tuổi.
Vua Hiệp Hòa làm vua “bất đắc dĩ” trong 4 tháng
Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, là con út trong số 29 người con của vua Thiệu Trị. Ông “bị” làm vua trong một hoàn cảnh khá đặc biệt để rồi phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Tháng 10/1883, sau khi vua Tự Đức mất, theo di chiếu, Hoàng tử trưởng Dục Đức (là con nuôi) lên nối ngôi, nhưng chỉ làm vua được 3 ngày thì bị hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bức chết và đề nghị lên Hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), đưa Hồng Dật lên làm vua.
|
Vua Hiệp Hòa.
|
Hồng Dật khi đó đã 36 tuổi, đang sinh sống tại xóm nghèo Kim Long như một người dân thường. Khi binh lính đến rước về cung để đưa lên làm vua mới, Dật đã quá sợ khóc rống lên, cố hết sức thoái thác. Đình thần phải đến tận nơi năn nỉ, nhưng Hồng Dật vẫn không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực để đưa ông vào kinh thành.
Ngày 30/7/1883, Hồng Dật lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Trong thời gian làm vua bất đắc dĩ, ông tỏ ra nhu nhược, sẵn sàng thỏa hiệp với thực dân Pháp.
Làm vua được 4 tháng thì Hiệp Hòa viết chiếu xin thôi làm vua. Các quan Phụ chính đại thần có tư tưởng cấp tiến vốn không ưa Hiệp Hòa nên giả vờ đồng ý, cho khiêng võng ra ngoài thành rồi buộc ông uống thuốc độc mà chết.
8 tháng mờ nhạt của “vua trẻ con” Kiến Phúc
Sau khi Vua Hiệp Hòa bị phế truất, vào năm 1883 Hoàng tử Ưng Đăng được hai quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi và lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Khi ấy, ông mới 15 tuổi, và mọi việc trong triều đều do hai quan Phụ chính quyết định cả.
Chỉ ở ngôi 8 tháng sau đó thì vua Kiến Phúc đột ngột băng hà, khiến người đương thời rất hoài nghi, đặt nhiều nghi vấn.
Sử nhà Nguyễn chép vua Kiến Phúc mất vì bệnh. Tuy nhiên, có giả thuyết hai vị Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đầu độc vua Kiến Phúc để tôn một vị vua nhỏ tuổi hơn (Hàm Nghi) để dễ việc nắm trọn quyền bính.
Ngoài ra cũng có lời đồn rằng nhà vua chết là do đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường đầu độc. Theo đó, bà Học Phi (vợ vua Tự Đức) là mẹ nuôi của Kiến Phúc, tư tình với Nguyễn Văn Tường. Nhân một hôm vua bệnh, ông Tường vào thăm có trò chuyện riêng với bà, bị vua nghe thấy. Ông Tường thấy có thể nguy hiểm liền xuống Thái y viện bốc một thang thuốc dâng vua uống, ngày hôm sau thì vua mất…