Trước lúc “đi xa qua bên kia bầu trời”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một văn bản được Người gọi là “tài liệu tuyệt mật” là Di chúc thiêng liêng. Nhưng, đây không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá, chứa đựng những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và phẩm chất cao quí của Người, mà còn đưa ra được những dự báo thiên tài – kết quả của một tầm cao trí tuệ, sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, cũng như khả năng tuyệt vời trong nắm bắt qui luật phát triển của lịch sử, mà chỉ có thể có được ở vị Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Những điều Người dự báo, sau 40 năm, đến nay, đã được lịch sử minh chứng và ghi nhận.
Lời Người lời của nước non
Từ năm 1965, mỗi năm, Hồ Chủ tịch dành thời gian từ ngày 10-20/5, trong đó, mỗi ngày từ 9h - 10h sáng, để viết và sửa Di chúc. Việc làm của Người kéo dài 5 năm cho thấy Người vô cùng cẩn trọng đối với bản Di chúc thiêng liêng sẽ để lại cho toàn dân tộc.
Trong bản Di chúc được Người bắt đầu viết vào ngày 10/5/1965, Hồ Chủ tịch đã khẳng định niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, dù vào thời điểm ấy, cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đều đang trong giai đoạn vô cùng gay go, quyết liệt: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.” Sự thực, đến năm 1975, cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc ta đã hoàn toàn thắng lợi.
Thật lạ lùng khi trong bản Di chúc đề ngày 10/5/1969, Hồ Chủ tịch đã tiên đoán chính xác vấn đề mang tính vận mệnh dân tộc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.”
Tất cả những gì Người dự báo, đều hoàn toàn là sự thật. Chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, năm 1975, dân tộc ta đã được ca khúc khải hoàn, khi đã đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước, thực hiện khao khát bao năm của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
|
Bản thảo Di chúc Bác Hồ. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tầm nhìn biện chứng
Không chỉ bản Di chúc của Người mới có nhiều dự báo. Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch đã có nhiều lần tiên đoán đúng và đã được thực tế khẳng định. Ngược về những năm đầu thế kỷ XX có thể thấy Hồ Chủ tịch có nhiều tiên lượng chính xác tình hình.
Trong một bài viết vào năm 1940, Hồ Chủ tịch cũng khẳng định: “Phát xít Đức rồi sẽ tấn công Liên Xô. Nếu chúng đánh Liên Xô thì Liên Xô sớm muộn thế nào cũng sẽ tiêu diệt chúng, nhờ đó, cách mạng nhiều nước có thể sẽ thành công.”
Bước sang năm 1941, trước những diễn biến mới trên thế giới, Người cũng dự báo: “Nếu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Liên Xô một nước XHCN ra đời, thì trong cuộc chiến tranh lần thứ 2 này sẽ sinh ra nhiều nước XHCN, cách mạng ở nhiều nước sẽ thành công.” 4 năm sau, quả đúng Liên Xô đã đánh bại phát xít, giúp một loạt nước Đông Âu đứng lên giành độc lập dân tộc, mở đường cho hệ thống XHCN ra đời.
Cuối năm 1941, sau khi Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã viết tập diễn ca “Lịch sử nước ta” với lời mở đầu “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và ở câu kết, Bác khẳng định: “Việt Nam độc lập -1945”. Sự thực, chỉ 4 năm sau thôi, vào 2/9/1945, chính Người đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1954, trên khắp các chiến trường, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Nhưng, dường như nắm chắc vận mệnh dân tộc, bài thơ chúc Tết năm 1954 của Hồ Chủ tịch đã khẳng định chắc chắn: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/Độc lập thống nhất, nhất định thành công”.
Không chỉ thế, Người quả có một trí tuệ vô song, khi đúng lúc cả nước đang tưng bừng với niềm vui kết thúc cuộc kháng chiến “kết vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, thì chính Người đã nhìn thấy những âm mưu xâm lược của ngoại bang. Nhà thơ Tố Hữu kể lại: Chiều 7/5/1954, sau khi nhận tin chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã lên xin ý kiến Hồ Chủ tịch. Có điều lạ là Người rất bình tĩnh nói với ông: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể về bức điện ông nhận được vào chiều ngày 5/5/1954 của Bác Hồ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy!... Còn phải đánh Mỹ…” Sự thật, chỉ ít lâu sau, chúng ta lại phải tiếp tục chiến đấu chống Mỹ và cuộc kháng chiến kéo dài tới 20 năm, đúng như nhận định của Hồ Chủ tịch.
Năm 1960, trong diễn văn bế mạc kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh 2/9, Bác Hồ đã tiên đoán về sự kiện ta giải phóng miền Nam: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà.” Đúng 15 năm sau, lời Người đã thành sự thật.
Năm 1972, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc một đế quốc sừng sỏ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Ký ức của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu –nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) tại cuộc giao lưu đêm 27/12/2007 trên VTV1, đã cho chúng ta biết một điều quan trọng: Thắng lợi này là kết quả của tầm nhìn xa trông rộng, sự sáng suốt của Hồ Chủ tịch từ đầu những năm 1960, khi Người dự báo khả năng chúng ta sẽ phải chiến đấu với không quân Mỹ và đã chỉ đạo nghiên cứu cách đánh B52.
Trong một bài báo, ông Phùng Thế Tài cũng kể về tiên đoán chính xác của Hồ Chủ tịch khi Người nói: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua.” Và Hồ Chủ tịch chỉ tay lên bầu trời Hà Nội: “Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây. Vì thế, nhiệm vụ của các chú hết sức nặng nề.”
Hoàn toàn như Người dự đoán, cuối năm 1972, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích qui mô lớn đánh phá miền Bắc. Nhưng nhờ có sự chỉ đạo chu đáo từ trước, quân và dân ta hoàn toàn không bất ngờ như địch tưởng, nên đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của địch, tạo bước chuyển quyết định để ta bước vào cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.