Những bí mật về quãng đời ít biết của Tổng thống Mỹ Obama

Google News

Đối với nhiều người Mỹ, cuộc đời và sự nghiệp của vị tổng thống Obama là một ví dụ tiêu biểu cho “giấc mơ Mỹ”.

Tổng thống Obama có tên đầy đủ là Barack Hussein Obama II. Mẹ ông là Stanley Ann Dunham, một người phụ nữ da trắng sinh tại Wichita, Kansas, Hoa Kỳ. Bà là người Anh lai Đức và Ai Len. Bố ông là Barack Obama, nguyên quán tại tỉnh Nyanza, Kenya.
Ông Barack và bà Ann đã phải lòng nhau khi cùng theo học tại Đại học Hawaii và quyết định đi đến hôn nhân. Tuy nhiên cuộc hôn nhân của họ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội trong thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ vẫn còn rất nặng nề, thậm chí cho tới tận năm 1967 nhiều bang ở Mỹ vẫn còn cấm hai người khác chủng tộc kết hôn. Vào ngày 04/08/1961, tình yêu giữa Barack và Ann đã “đơm hoa kết trái” bằng cậu bé Barack Hussein Obama II, được sinh ra tại Honolulu, Hawaii, Mỹ.
Nhung bi mat ve quang doi it biet cua Tong thong My Obama
Bà Ann Dunham bế cậu con trai Barack Obama 2 tuổi trên tay. (ảnh: Reuters)
Tuy nhiên gia đình Obama sớm đổ vỡ khi ông mới 2 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình học tại Mỹ, cha Obama trở về Kenya. Cuộc sống của ông Barack Obama “cha” gặp nhiều khó khăn do nghèo khó và tật nghiện rượu trước khi qua đời trong một vụ tai nạn ô tô năm 1982. Kể từ khi cha mẹ ly dị đến lúc cha qua đời, Obama mới chỉ gặp lại cha mình một lần duy nhất vào năm 1971.
Trong khi đó, bà Ann tái hôn với một một du học sinh người Indonesia có tên Lolo Soetoro cùng theo học tại Đại học Hawaii. Năm 1966, ông Lolo trở về Indonesia, 16 tháng sau bà Ann đem con trai đến sống với chồng tại khu Menteng-Dalam ở phía nam trung tâm Jakarta. Từ năm 1970, gia đình Soetoro dọn đến một khu sung túc hơn ở trung tâm Jarkarta.
Từ 6 đến 10 tuổi, Obama theo học tại những trường nói tiếng Indonesia: Trường Công giáo St Francis of Assisi trong hai năm, và Trường Công lập Besuki, ngoài ra cậu cũng học thêm tiếng Anh từ bà mẹ.
Sau khi bà Ann cùng con riêng chuyển đến Indonesia, gia đình ông Soetoro đã chuyển đến một ngôi nhà tại quận Menteng-Dalam. Tại thời điểm đó, đây là một khu dân cư mới với đa phần người dân đến từ thủ đô Jakarta, do vậy đời sống vẫn còn khá thiếu thốn. Đường dây điện mới chỉ được kéo đến khu dân cư này một vài năm trước khi gia đình Soetoro dọn tới đây.
Ông Coenraad Satjakoesoemah, 79 tuổi, người từng là tổ trưởng khu phố cho biết: “Khi gia đình họ chuyển đến đây, khu vực này còn vô cùng nghèo nàn. Đường phố thì bẩn thỉu, chỉ có vài ngôi nhà trong khi cây cối mọc um tùm.”
Trong thời gian sinh sống tại đây, bà Ann đã mượn phòng khách của ông Satjakoesoemah để dạy tiếng Anh cho những người phụ nữ trong khu phố. Trong khi những người dân tại đây ngợi ca bà Ann là một người có “tâm hồn tự do”, thì hình ảnh mà họ có thể nhớ về Barack chỉ là một cậu bé “lúc nào cũng chạy như vịt quanh xóm”.
Ít ai biết rằng, trong thời gian sinh sống tại quận Menteng-Dalam, Barack Obama đã từng sống với một vú em là một người chuyển giới. Trong một bữa tiệc cocktail năm 1969, bà Ann đã gặp bà Evie và rất ấn tượng với món bít tết và cơm chiên mà bà Evie nấu. Không lâu sau đó, bà Evie trở thành vú em của cậu bé Barack 8 tuổi. Evie chơi với Barack và đưa đón cậu từ trường về nhà. Quãng thời gian 2 năm tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho Evie nhiều kỷ niệm tốt đẹp về cậu bé Barack giàu lòng thương người.
Dù Barack được bạn bè yêu mến, họ thường trêu chọc người Evie, gọi bà là "banci", một từ mang tính chế nhạo ở Indonesia dành cho dân chuyển giới. "Khi tôi đón cậu ấy về từ trường, bạn bè của cậu thường trêu chọc tôi và hét tướng lên những câu như 'banci, banci'. Nhưng cậu ấy chỉ bỏ qua và nói: 'Thôi nào, chúng ta về nhà thôi,” Evie nói.
Sau khi thôi việc tại gia đình Soetoro, Evie sống khổ sở trong một khu ổ chuột và hành nghề mại dâm để sinh sống qua ngày. Bà không hề biết cậu bé bà từng giúp nuôi dưỡng đã trở thành tổng thống Mỹ, cho tới khi nhìn thấy bức ảnh gia đình Obama đăng trên một tờ báo địa phương. Bạn bè lúc đầu cười lớn khi Evie nói rằng bà quen Obama, nhưng rồi những người sống quanh bà xác nhận chuyện này.
Sau khi rời khu Menteng-Dalam, gia đình Soetoro chuyển đến thuê trọ ở trong khu nhà của một bác sĩ giàu có. Tại đây, cậu bé Barrack lại có bạn mới là hai con trai của tài xế riêng của ông bác sĩ. Slamet Januadi, 52 tuổi, người con lớn của bác tài xế năm xưa cho biết, ấn tượng khó quên nhất Barack để lại chính là một lần nọ cậu đã hỏi cả bọn rằng: "Các cậu muốn khi lớn lên làm một tổng thống, một anh lính hay nhà kinh doanh?".
Rồi Barack giải thích: “Làm anh lính thì có cây súng, làm nhà kinh doanh thì có tiền, nhưng làm Tổng thống thì chẳng có gì cả!” Januadi và em trai trả lời là "muốn làm lính" và về sau gia nhập quân đội Indonesia thật. Một người bạn cùng chơi nữa nói: "Muốn làm nhà kinh doanh", và về sau cũng đã trở thành một ông chủ ngân hàng. Còn lại Barack thì "muốn làm tổng thống" - và giờ ông đã là Tổng thống Mỹ.
Nhớ lại 4 năm sinh sống tại Indonesia, ông Obama đã gọi đây là quãng thời gian “hạnh phúc” khi được học tại các trường địa phương, được “vui đùa trên đường phố với đám trẻ con các nông dân, thợ may…
Trong cuốn tự truyện “Dreams of my father” (Tạm dịch: Những ước mơ của cha tôi), ông Obama đã kể lại tuổi thơ của mình tại Indonesia. “Tôi chỉ phải mất dưới 6 tháng để có thể học được ngôn ngữ, phong tục và những mầu chuyện cổ tích của Indonesia. Tôi đã vượt qua dịch thủy đậu, sởi và những trận đòn bằng roi tre của thầy cô giáo,” ông Obama chia sẻ.
“Tôi kết bạn với con của những người nông dân, công chức và quan chức quèn, và chúng tôi cùng nhau chạy nhảy trên đường phố vào buổi sáng và đêm, cùng hối hả làm những công việc lặt vặt, bắt dế, thả diều bằng những sợi dây diều sắc như dao cạo – người nào có diều không thể cất cánh được trong gió sẽ bị thua,” ông Obama kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu tại Indonesia.
“Tôi học được cách ăn ớt xanh với cơm từ Lolo, và, bên cạnh những bữa ăn thường ngày, tôi được dạy ăn thịt chó (khá dai), thịt rắn (rất dai) và châu chấu nướng (rất giòn),” Obama nhớ lại.
Trong hồi ký “Những ước mơ của cha tôi”, Obama cho biết, gia đình ông không giàu có để có thể cho ông theo học trường quốc tế, nơi phần lớn con cái những người nước ngoài học tập, mà phải học trường dành cho người Indonesia.
“Barry bé bỏng” đến trường
Lấy họ cha dượng, Obama khi ấy mang tên Barry Soetoro. Đến tuổi đi học, Obama được gửi tới học lớp 1 tại trường Trường Công giáo St Francis of Asisi vào ngày 1/1/1968.
Theo trí nhớ của bà Israella Pareira, giáo viên lớp 1 của Barry, thì cậu bé viết khá tốt bằng tay trái, tuy nhiên chỉ có thể hiểu được mà chưa thể nói rõ tiếng Indonesia. “Ngày đầu tiên đến trường, cậu bé không thể nói được tiếng Indonesia, thay vào đó, cậu phải dùng ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp với bạn bè. Nếu gặp vấn đề khúc mắc trong học tập, cậu ấy sẽ luôn nhìn thẳng vào tôi, có nghĩa là cậu ấy muốn nhờ sự giúp đỡ từ giáo viên, vì vậy tôi sẽ giải thích cho cậu ấy một lần nữa bằng tiếng Anh,” bà Pareira nhớ lại.
Bà Pareira cũng nhận xét, vị tổng thống tương lai của nước Mỹ đã sớm bộc lộ tổ chất lãnh đạo ngay từ khi còn chập chững bước vào ghế nhà trường. “Ngay từ khi Barry bước vào lớp một, tôi đã đặc biệt chú ý đến tính cách của cậu ấy, nhất là là câu chuyện cậu ấy viết có tựa đề “Tôi muốn trở thành Tổng thống”. Lúc đó chúng tôi đã chắc chắn rằng cậu ấy sẽ đạt được điều đó trong tương lai,” cô giáo của Barry kể lại về ngọn lửa lãnh đạo đã thổi bùng trong cậu trò nhỏ như thế nào.
Giữa năm lớp 3 thì Barry chuyển về trường công lập Besuki dành cho con cháu giới thượng lưu trong nước. Tại đây bạn bè gọi ông một cách thân mật là “Little Barry” (Barry bé bỏng). Ấn tượng chung về “Berry bé bỏng” trong mắt các bạn học tại trường Besuki là một cậu bé tóc quăn tít, cao to quá khổ, béo tròn và da ngăm hơn người bình thường.
Rully Dasaad, một người bạn học cùng lớp với Barry kể lại: “Cậu ta mặc một chiếc quần Bermuda và lúc nào cũng mặc áo phông sọc có cổ. Bạn có thể thấy cậu ta là một người đến từ bên ngoài Indonesia.” Rully là cháu của một trong những người giàu nhất Indonesia khi ấy. Mặc dù theo lời kể, Barry là một người nhút nhát do giọng nói và màu da của mình, song Rully lại là người đầu tiên tiến đến bắt chuyện với Barry.
“Cậu ấy thích đọc truyện tranh. Bình thường, cậu ấy không thích đứng lên bục để hát vì bản chất nhút nhát. Có lẽ vì giọng nói đặc sệt Mỹ của mình nên phát âm của cậu ấy không chuẩn lắm, và hầu hết chúng tôi đều thấy buồn cười với cậu ta,” Rully nhớ lại.
Mặc dù vậy, hầu hết các thầy cô giáo dạy tại Besuki đều nhận xét rằng, Barry là một cậu trò nhỏ có tính cách cởi mở và rất dễ kết bạn với người khác. Effendi, thầy giáo lớp 3 của Barry nhận xét: “Trong ký ức của tôi thì thái độ của cậu ấy đối với cả bạn học nam và nữ đều rất tốt, nhưng cậu ấy hơi nghịch ngợm một chút, đặc biệt là với các bạn nữ. Cậu ấy thích giật tóc những bạn nữ có mái tóc dài…có thể là để thu hút sự chú ý từ đám bạn.”
Effendi cho biết Barry là một cậu học sinh giỏi và có đam mê với các môn lịch sử và địa lý, đặc biệt, rất tích cực tham gia các hoạt động trường lớp. “Cậu ấy rất thích tham gia vào hoạt động ngoại khóa có tên PRAMUKA (hướng đạo sinh) được tổ chức vào chiều thứ Bảy hàng tuần.”
Cậu bé Barack Obama từng theo đạo Hồi?
Hiện vẫn còn nhiều luồng dư luận tranh cãi về tôn giáo của cậu bé Barry trong thời gian cậu còn ở Indonesia. Khi đắc cử Tổng thống Mỹ, Obama đã từng khẳng định: “Tôi luôn luôn là một tín đồ Cơ đốc giáo,” đồng thời từ chối gốc gác Hồi giáo của mình. “Sợi dây duy nhất kết nối tôi với đạo Hồi là ông nội và cha của tôi, những người đến từ đất nước đó [Kenya]. Nhưng tôi chưa bao giờ theo Hồi giáo.” Hai tháng sau đó, ông lại nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ là một người Hồi giáo…ngoại trừ cái tên của tôi và sự thật rằng tôi đã từng sống tại một quốc gia Hồi giáo trong vòng 4 năm khi còn là một đứa trẻ [Indonesia].”
Cha của Obama, ông Barack Hussein Obama “cha” là một người Hồi giáo. Ông đã đặt tên cho con mình là Barack Hussein Obama “con”, trong khi chỉ có trẻ em Hồi giáo mới được đặt tên là “Hussein”.
Bên cạnh đó, phóng viên của tờ The Blaze đã cất công tới tận Indonesia để điều tra về gốc gác của ông Obama. Tại trường dòng Assisi, nơi Obama theo học trong khoảng thời gian từ năm 1968 cho tới năm 1970, hiệu trưởng của trường đã cho phóng viên đài CBS News (Mỹ) xem hồ sơ nhập học của Barry. Trong hồ sơ đó, “Đạo Hồi” đã được điền vào ô “Tôn giáo”. Các quan chức của nhà trường cho biết, tại Indonesia, các cậu bé sẽ phải theo tôn giáo của cha. Ở đây ông Lolo, cha dượng của Barry, theo đạo Hồi, do vậy cậu cũng phải theo đạo Hồi như cha của mình.
Ngoài ra, hồ sơ nhập học cũng cho thấy Obama từng mang quốc tịch Indonesia, ít nhất là trong khoảng thời gian theo học tại trường. Liperty Marpaum, một nhân viên của Bộ Tư pháp và Lao động chuyên soạn thảo chính sách giáo dục cho chính phủ Indonesia, cho biết, người nước ngoài phải nộp đơn và xin ý kiến từ bộ giáo dục trước khi có thể nhập học vào một trường học bất kỳ tại nước này. Ông cũng nhấn mạnh “Những đứa trẻ mang quốc tịch Mỹ sẽ phải đi học tại trường quốc tế.”
Do đó, các phóng viên của The Blaze cho rằng, nếu không mang quốc tịch Indonesia, cậu bé Barack Obama sẽ không thể nào theo học được một trường dòng vốn chỉ được dành cho các đứa trẻ Indonesia. Việc chuyển đổi quốc tịch có thể đến từ bà Ann Dunham. Sau khi tục huyền với ông Lolo Soetoro, nhiều khả năng bà đã nhập quốc tịch Indonesia theo chồng, đồng thời cũng chuyển quốc tịch của con trai Barack sang Indonesia.
Mặt khác, các đảng viên đảng Cộng hòa đã dẫn chứng một đạo luật năm 1958 của Indonesia. Trong đạo luật này, những đứa trẻ sẽ không được nhận nuôi nếu quá 5 tuổi. Trong khi đó, cậu bé Barack cùng mẹ đến Xứ xở vạn đảo vào tháng 8/1967, khi Barack bước sang tuổi thứ 6. Trước đó, ông Lolo và bà Ann đã kết hôn vào ngày 15/3/1965, khi Barack mới 3 tuổi rưỡi.
Theo tờ Washington Post, ông Lolo quay trở lại Indonesia vào tháng 6/1966, tại đây ông có thể dễ dàng ký vào đơn xin nhận cậu bé Barack 4 tuổi làm con nuôi, để cậu bé có thể đến Indonesia vào năm sau. Bên cạnh đó, theo luật pháp Indonesia, khi một công dân Indonesia cưới vợ, con riêng của vợ sẽ mang quốc tịch Indonesia bất kể trước đó người con này là người nước nào.
Mặc dù vậy, những tranh cãi này vẫn chưa đi đến hồi kết, do những giấy tờ liên quan đến gia đình của ông Lolo Soerento đã bị thất lạc hoặc bị hư hại nặng nề qua thời gian. Thế nhưng, cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo của nước Mỹ, ông Obama vẫn không thể quên được khoảng thời gian sinh sống trong một cộng đồng “đậm đặc” không khí Hồi giáo. Trong cuốn tự truyện “Những giấc mơ của cha tôi”, ông Obama kể rằng mình đã từng gặp rắc rối do “làm trò trong lớp học kinh Koran”, một lớp học chào đón tất cả các học sinh từ mọi tôn giáo khác nhau.
“Tại lớp học Hồi giáo, các giáo viên đã phàn nàn với mẹ tôi rằng tôi hay làm trò trong các lớp học kinh Koran,” Obama viết. “Mẹ tôi thì lại không quá quan tâm. “Hãy tôn trọng nào,” bà ấy sẽ nói như vậy. Tuy nhiên tại các lớp học dành cho người Cơ đốc giáo, khi đến giờ cầu nguyện, tôi sẽ nhắm mắt lại rồi mở mắt ra nhìn ngó xung quanh phòng học. Không có gì xảy ra cả. Không có thiên sứ giáng trần. Chỉ có một nữ tu già và 30 đứa trẻ con da màu đang lẩm nhẩm cầu nguyện,” vị Tổng thống của nước Mỹ nhớ lại quá khứ.
Mời quý độc giả xem video Những chuyến công du triệu đô của Tổng thống Obama (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh

Bình luận(0)