Ngôi mộ trời cho giúp chúa Trịnh đoạt thiên hạ

Google News

Người ta cho rằng, họ Trịnh được làm chúa nhiều đời là nhờ một ngôi mộ trời cho.

Ngôi mộ trời cho
Đó là cuộc đất gắn liền với câu chuyện lịch sử liên quan đến người mở đầu cơ nghiệp của các đời chúa Trịnh là thái sư Trịnh Kiểm. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa (có sách chép ông sinh ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi 1503 tại thôn Hổ, gần sông Mã, thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay), vốn mồ côi cha từ nhỏ, ăn ở rất có hiếu với mẹ, hàng ngày đi chăn trâu và tập trận “cờ lau” như vua Đinh thời trước.
Lớn lên, ông là một tay kỵ mã tài giỏi nên tướng nhà Mạc là Ninh Bang hầu thâu nhận, giao chăm sóc huấn luyện đàn ngựa chiến hay nhất của mình ở sách Thọ Liêu.
Được ít lâu, có người khuyên Trịnh Kiểm không nên cộng tác với tướng nhà Mạc nữa, vì nhà Mạc phi nghĩa (Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê năm 1527) mà hãy tìm đến Nguyễn Kim (là tướng của nhà Lê) để cùng chống Mạc. Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm bỏ Ninh Bang hầu trốn đi, mang theo con ngựa chiến đầu đàn.
Ảnh minh họa. 
Ninh Bang hầu biết được, rất tức giận, bắt mẹ của Trịnh Kiểm nhốt vào một cái cũi tre, lấy đá lớn cột lại, thả xuống vực nước sâu. Khi chiếc cũi chìm xuống đáy, thì đêm ấy lạ thay nước sông như sôi lên, sấm chớp cùng mưa nguồn cuồn cuộn đổ về, nước chảy mạnh như muốn xô trôi cả hai bờ sông cũ.
Sáng ra trời ngừng mưa, người quanh vùng hết sức kinh ngạc khi thấy nơi vực xoáy nhấn chìm mẹ Trịnh Kiểm chiều hôm trước bỗng nổi lên một gò đất mới sạch sẽ, sáng sủa, trông như một ngôi mộ “trời cho” đang ôm chôn thi hài của bà mẹ Trịnh. Tin đồn lan nhanh, một vài thầy địa lý đã tìm đến tận nơi xem xét địa thế của gò đất rồi đoán định rằng con cháu họ Trịnh từ đây sẽ bắt đầu phát đạt lớn.
Cũng từ đó truyền đi câu tiên tri: “Phi đế phi bá, quyền khuynh thiên hạ, tộ truyền bát đại, tiêu tường khởi họa”. Câu ấy có nghĩa là: con cháu họ Trịnh tuy không phải là “đế”, cũng không phải là “bá” (phi đế phi bá), nhưng quyền thế sẽ rất lớn có thể làm nghiêng cả thiên hạ (quyền khuynh thiên hạ) và sẽ truyền đến đời thứ 8 (bát đại) thì cạn phước và họa sẽ từ trong nhà khởi ra.
Quả là sau này Trịnh Kiểm nắm hết quyền dưới thời Lê trung hưng và truyền được 8 đời. Một số nhà sử học như Trần Trọng Kim đã tổng luận: “Họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng lên, rồi giữ lấy quyền chính, lập ra nghiệp chúa, lưu truyền từ Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) đến Trịnh Khải được 216 năm (1570 – 1786) là hết”. Mầm mống suy tàn bắt nguồn từ đời thứ 8 là Trịnh Sâm với hai sai lầm lớn của ông.
Một là đối với nhà Lê, ông đã phế Hoàng tử Lê Duy Vĩ rồi sai giết đi. Hai là đối với nội tình phủ chúa, ông đã truất con lớn (là Trịnh Khải) để lập đứa con nhỏ (Trịnh Cán) do ái phi của ông là Đặng Thị Huệ sinh ra làm thế tử, gây bất bình, khiến kiêu binh nổi dậy, phế bỏ Trịnh Cán, đưa Trịnh Khải lên.
Nhưng Trịnh Khải lên chưa bao lâu thì quân Tây Sơn từ phía Nam tấn công ra Thăng Long. Mặc dầu Trịnh Khải rất dũng cảm, lên voi chiến xông trận, nhưng thất thế phải chạy lánh lên Sơn Tây rồi bị bắt, đã dùng gươm tự sát. Hay tin đó, Nguyễn Huệ lệnh quân Tây Sơn tống táng Trịnh Khải đúng theo vương lễ.
Trịnh Khải mất, Trịnh Bồng kế nghiệp chúa nhưng đã bỏ đi tu trong những ngôi chùa hẻo lánh trên vùng núi phía Bắc (người ta cho Hải Đạt thiền sư chính là Trịnh Bồng), tương truyền đã để lại mấy câu: “Hai trăm năm đó đủ điều. Cơ đồ tựa tiếng chuông chiều vừa tan…”.
Uy quyền như nước chảy vào chỗ trũng
Trở lại chuyện phong thủy liên quan đến sự xuất hiện của các đời chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam qua hơn hai thế kỷ, một số các thầy địa lý và các nhà nghiên cứu phong thủy cho rằng, gò đất nơi chôn vùi mẹ Trịnh Kiểm không tách rời với dòng lưu chuyển của “thủy”. Mà “thủy” (nước) được cụ Tả Ao chỉ rõ: “Nước phân chữ bát phân minh. Hai bên chảy thuận, loan hình tống long. Cửa trời trên đã mở thông.
Thượng phần là đấy chính long thực vào…”. Đại ý cho biết khi nước chảy từ Tổ sơn phân ra “chữ bát” thì nguồn nước đó đang trổ cửa cho long mạch chạy tới trước. Hễ long mạch chạy tới chỗ nào, nước sẽ theo đến chỗ ấy, khi gần khi xa, khi chia nhánh này, nhánh nọ, nhưng cuối cùng cũng đến chỗ nước tụ, tức là chỗ kết huyệt tốt (nước tống giao, hạ hợp).
Cũng có những thế nước chảy không tốt, bất lợi, như chỗ nước gầm réo kêu thương (thủy khấp khốc) là nơi có huyệt xấu. Chỗ nào có Đào hoa thủy là sẽ có người đa tình, đa dâm. Chỗ nào nước chảy tràn lan như rèm cuốn (nội đường chi thủy, quyển liêm) là tiền tài sẽ tiêu tán. Chỗ nào nước chảy xuyên qua thành xoay quanh cuộc đất (thủy phản lộ, xuyên thành) là trước sau sẽ bị hại.
Chỗ nào nước chảy cắt chân núi (thủy tà sơn túc) sẽ dẫn đến hao của, hại người… Suy ra chỗ gò đất ôm thi hài của mẹ Trịnh Kiểm nổi lên đột ngột giữa vực kia không nằm trong các thế nước chảy bất lợi nêu trên. Mà trái lại, như các thầy địa lý nói, nó báo trước sự hưng thịnh của tương lai Trịnh Kiểm, bắt đầu từ việc Trịnh Kiểm chạy đến thôn Cổ Lũng sau ngày mẹ chết thảm, để vào giúp việc dưới trướng Nguyễn Kim (ông tổ khai nghiệp các đời chúa Nguyễn).
Nguyễn Kim vốn là Điện tiền tướng quân của nhà Lê đã thâu nạp, trọng dụng Trịnh Kiểm và đem con gái của mình là Nguyễn Thị Ngọc Bảo gả cho. Cuộc hôn nhân này là bệ phóng đưa Trịnh Kiểm lên đỉnh cao quyền lực. Vì khi Nguyễn Kim mất (bị hàng tướng nhà Mạc đầu độc), toàn bộ binh quyền chuyển qua tay Trịnh Kiểm.
Trịnh Kiểm năm ấy 42 tuổi, quyền uy rất lớn, lập hành điện ở Thanh Hóa cho vua Lê ở, chiêu tập hào kiệt làm chủ giang sơn phía Nam từ Thanh Hóa trở vào (gọi Nam triều) để chống lại nhà Mạc bấy giờ vốn đang làm chủ vùng đất từ Sơn Nam trở ra (gọi Bắc triều). Khi cuộc chiến Nam – Bắc triều còn đang tiếp diễn thì vua Lê Trang Tông mất, vua Trung Tông lên thay được 8 năm cũng mất, chưa có ai kế vị.
Trong tình cảnh ấy, Trịnh Kiểm có ý muốn xưng làm vua nhưng còn lưỡng lự chưa dám, mới sai sứ giả bí mật ra Hải Dương xin ý kiến cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình lặng im một lúc không nói gì, rồi đột nhiên gọi người giúp việc trong nhà ra lớn tiếng bảo rằng “năm nay mất mùa, thóc giống không được tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo”; xong lại sang bên chùa bảo mấy chú tiểu là “hãy giữ chùa thờ Phật thì sẽ được ăn oản”.
Hai câu nói ấy hàm ý rằng: hãy tìm con cháu vua Lê (tìm giống cũ) và hãy giữ ngôi nhà Lê (giữ chùa thờ Phật) sẽ được mưa móc, ngọt ngào (ăn oản). Trịnh Kiểm hiểu ý Trạng Trình, mới đi tìm cháu ruột của Lê Lợi là Lê Duy Bang đưa lên ngôi, còn mình vẫn giữ vị trí làm chúa, song thực quyền vẫn nằm hết trong tay như “nước chảy vào chỗ trũng”….
Theo Hôn nhân & Pháp luật

Bình luận(0)