Mối tình chêch lệch tới 31 tuổi
Sách Thanh sử cảo viết, Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559 – 1626), hãn hiệu Thiên Mệnh Hãn, là một thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân vào cuối thời Minh (Trung Quốc). Ông cũng là người lập ra nước Đại Kim vào năm 1616 (tiền thân của triều đại nhà Thanh Trung Quốc).
Trong lịch sử Trung Quốc, Nỗ Nhĩ Cáp Xích được xem là người xây dựng nền móng giúp con trai ông, Hoàng Thái Cực lật đổ triều đại nhà Minh để lập nên triều đại nhà Thanh.
Về sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích được các hậu huệ truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ (Thanh Thái Tổ hoặc Thái Tổ Cao Hoàng đế) dù ông không giữ ngôi vị hoàng đế Trung Hoa ngày nào.
Chân dung Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Trong khi đó, A Ba Hợi (1590-1626) là người của bộ lạc Ô La, tộc người Nữ Chân, sinh sống ở dưới chân núi Trường Bạch Sơn. Nàng nổi tiếng xinh đẹp, dáng người thướt tha, yểu điệu, thông minh, rất hiểu lòng người.
Năm 1601, vì những tính toán chính trị, A Ba Hợi lúc đó mới chỉ 12 tuổi được gả cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích, 43 tuổi, một đại hãn (tương đương vua) của bộ tộc Nữ Chân.
Nhờ trẻ trung lại sở hữu nhan sắc “khuynh nước, khuynh thành”, A Ba Hợi được Nỗ Nhĩ Cáp Xích vô cùng sủng ái, coi như “viên ngọc quý” trong hậu cung. Vào cung không lâu, nàng được sắc phong là đại phi, rồi lần lượt sinh cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích 3 người con trai là: A Tế Cách, Đa Nhĩ Cổn và Đa Đạc.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng vô cùng yêu thương 3 hoàng tử do A Ba Hợi sinh ra, thậm chí còn có ý muốn đưa Đa Nhĩ Cổn - người con trai được cho là thông minh, cơ trí và dũng mãnh nhất của ông – lên làm người kế vị.
Chuyện ngoại tình vợ lẽ - con chồng chấn động
Thanh thực lục, biên niên sử viết về triều Thanh chép lại rằng, mặc dù được Nỗ Nhĩ Cáp Xích hết mực yêu thương, sủng ái nhưng A Ba Hợi lại cảm thấy cực kỳ chán ghét người chồng già nua này. Tâm lý này hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi lẽ, A Ba Hợi vừa trẻ trung, vừa xinh đẹp lại phải chung sống và ân ái với một người đàn ông già hơn mình tới 31 tuổi.
A Ba Hợi được gả cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích khi mới 12 tuổi.
Theo đó, A Ba Hợi được cho là đã nảy ra ý định ngoại tình với một người đàn ông khác trẻ trung và phù hợp hơn với mình.
Nhưng chuyện tìm đàn ông trong hậu cung để “vui vẻ” vốn vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích được cho là người rất đa nghi, hay ghen tuông và luôn đề phòng, giám sát chặt chẽ những người đàn ông ra vào hậu cung.
Nhưng đề phòng người ngoài chứ khó lòng giám sát người nhà. Nỗ Nhĩ Cáp Xích cuối cùng vẫn bị A Ba Hợi “cắm sừng”.
Người tình của nàng không ai khác lại chính là Đại Thiện, con trai thứ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và người vợ tào khang Đông Giai Thị. Đại Thiện lớn hơn A Ba Hợi 7 tuổi, nổi tiếng là danh tướng giỏi giang, dũng mãnh, từng cùng Nỗ Nhĩ Cáp Xích nam chinh bắc phạt, vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công hiển hách.
Một số tài liệu chép lại rằng, A Ba Hợp đã tìm nhiều cách để quyến rũ Đại Thiện. Mỗi khi hoàng cung tổ chức yến tiệc, A Ba Hợi liền trang điểm lộng lẫy, liếc mắt đưa tình với Đại Thiện.
Tuy nhiên, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra”. Năm 1620, chuyện A Ba Hợi tư thông với Đại Thiện vô tình bị một tiểu phi của Nỗ Nhĩ Cáp Xích phát hiện và tố cáo.
Khi nghe tin người vợ được mình hết lòng sủng ái lại tư thông với chính con trai mình, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vô cùng tức giận. Ông liền đuổi A Ba Hợi ra khỏi cung.
Cái chết tức tưởi
Những tưởng bị đuổi khỏi cung sẽ đặt dấu chấm chết cho cuộc đời A Ba Hợi. Nhưng Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ là nóng giận tức thời. Sau khi đuổi A Ba Hợi đi, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn ngày đêm nhớ thương người vợ trẻ đẹp này. Năm 1621, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cuối cùng cũng cho đón A Ba Hợi về cung, khôi phục vị trí đại phi và tiếp tục sủng ái nàng.
Đến năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích mắc bệnh qua đời, di ngôn muốn đại phi A Ba Hợi tuẫn táng theo.
Tranh vẽ chân dung đại phi A Ba Hợi.
Thanh thực lục đã đưa ra lý giải việc A Ba Hợi bị ép tuẫn táng rằng, nàng đại phi dung mạo xinh đẹp, được Nỗ Nhĩ Cáp Xích đặc biệt yêu thích. Ông vua này cũng nổi tiếng có tính ghen tuông, không muốn sau khi mình chết, A Ba Hợi ngã vào vòng tay của người đàn ông khác, thế nên mới ép nàng chôn theo.
Tuân theo di mệnh của cha, Hoàng Thái Cực, người con trai thứ 8 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và cũng là người kế vị ông, đã ép đại phi A Ba Hợi và nàng tiểu phi từng bẩm báo chuyện ngoại tình ngày xưa phải tuẫn táng theo phụ hoàng. Năm đó, A Ba Hợi mới 37 tuổi.
Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu nói rằng, A Ba Hợi bị ép chết là vì lý do chính trị. Theo đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích trước khi qua đời từng di ngôn cho Đa Nhĩ Cổn, con trai của ông và A Ba Hợi kế vị.
Nhưng khi đó, Đa Nhĩ Cổn mới chỉ 15 tuổi, nên vương vị mới rơi vào tay Hoàng Thái Cực. Để thuận lợi đăng cơ, Hoàng Thái Cực đã bức chết đại phi A Ba Hợi. Bằng cách này, Hoàng Thái Cực đã ngăn chặn khả năng kế vị của Đa Nhĩ Cổn, loại bỏ được thế lực đáng gờm của A Ba Hợi vốn bị xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với ông.