Nhờ gái kẻ Mơ... dứt cơn nghiện rượu
Nguyễn Bá Dương (1740 – 1785) quê làng Nguyên Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê (nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ngay từ tuổi ấu nhi, Bá Dương đã được biết đến là thần đồng thông minh, hay chữ, học giỏi trong vùng. Dù nhà thuộc dạng nghèo kiết xác, nhưng không vì thế mà ông tự ti, ngược lại rất tự phụ với tài năng của mình, nên tính tình bộc trực, yêu ghét thẳng thừng chứ không giấu giếm trong lòng, lại xem đời cơ hàn của mình là một việc rất ư bình thường, không có gì đáng phải xấu hổ cả. Bởi thế, dân tình không ai dám khinh khi.
Nói về tài năng của Bá Dương, tương truyền, có lần ông đang đi học, khi ngang qua nhà Bình Trung Công người đất Diên Hưng, vốn là quan to trong triều, lại thuộc hàng “công” nên phủ đệ của Bình Trung Công to đẹp lắm, đến tường bao cũng làm cổng tam quan, tường đắp nổi sơn thuỷ sống động, kỳ công. Vốn dân quê mùa chưa được bén chân tới nơi quyền quý, Nguyễn Bá Dương bèn đứng lại xem, khi đang ngắm cây tùng trồng trên đá bên tường thì Bình Trung Công bắt gặp, cả cười trước sự tò mò của anh học trò, bèn thử tài ứng đối xem sao nên bảo Bá Dương hãy vịnh một bài về cây tùng. Không hề e ngại, cậu học trò Nguyễn Bá Dương liền cầm bút viết rằng:
Thạch thượng thanh tùng bách xích trường,
Phi hoa mãn động thuỷ sinh hương,
Đinh ninh tiểu tử hưu kinh phạt,
Lưu thuỷ tha niên tác đống lương.
Dịch thơ:
Trăm thước thông trên đá vững vàng,
Hoa bày đầy động nước sinh hương,
Đinh ninh dặn chú tiều đừng đẵn,
Dành để mai sau chuột cột rường.
Bài thơ không chỉ tả thực cây tùng trên đá theo yêu cầu của Bình Trung Công, mà cậu học trò Bá Dương còn tự ví mình với cây tùng vững vàng, vươn thẳng, là “rường cột” tương lai của quốc gia, sẽ phò vua, giúp nước. Thấy chú bé quê mùa mà chí lớn, lại tài năng, Bình Trung Công chỉ còn biết khâm phục, tặng luôn ông 5 quan tiền. Về sau, bài thơ được đặt tiêu đề là Thạch tùng, tức Cây thông đá gắn liền với tên tuổi của ông.
Để tạo lập công danh, ông lên kinh sư Thăng Long theo học. Nhà nghèo nên ngoài tấm áo nâu sờn vai, tài sản của Nguyễn Bá Dương chẳng có gì đáng giá cùng với ít sách thánh hiền. Khổ nỗi, ngay khi còn ở quê, chẳng biết có học đòi Đỗ Phủ “thi tửu song hành” hay không mà Nguyễn Bá Dương lại nghiện rượu. Khi lên kinh đô rồi, thói quen ấy cũng không thể bỏ, Bá Dương hay uống chịu rượu của bà bán rượu kẻ Mơ thuộc Hoàng Mai, Thăng Long. Uống rượu chịu mãi rồi số tiền ghi nợ đã lên đến chín đồng. Năm lần bảy lượt bà bán rượu đòi tiền rượu vì sợ ông “bùng” nhưng khổ nỗi Nguyễn Bá Dương đâu có xu nào trong túi mà trả. Bực lắm, lại là dân buôn nên nào có kiêng nể chi ai, bà bán rượu la lối đòi lột áo trừ nợ. May sao cũng lúc ấy có cô gái cũng làm nghề bán rượu cùng quê với bà kia thấy anh khóa nghèo bị đòi lột áo, động lòng trắc ẩn nên can ngăn bà bán rượu cùng làng. Nhưng can mãi cũng không xong, liền rút ruột tượng ra đếm đủ chín đồng đưa cho bà kia, rồi quảy gánh đi luôn.
Nguyễn Bá Dương được người lạ cứu cho một phen đỡ bẽ mặt, dù tính ngông nghênh nhưng cũng lấy làm thẹn, mới chạy theo cô gái cảm ơn, lại hỏi tên tuổi để sau đáp đền. Cô gái xua tay mà đáp:
- Tôi thấy chàng là học trò, vì rượu chè mà bị xấu hổ vì một người đàn bà, không đành lòng nên trả hộ thôi, không có ý mong được báo đền.
Nói xong cô quảy gánh đi thẳng mà chẳng buồn xưng danh tính. Áy náy trong lòng, Nguyễn Bá Dương mới hỏi thăm tung tích, biết được cô gái là người kẻ Mơ. Cũng kể từ dạo ấy, lấy làm thẹn với bản thân chưa nên công danh mà đã bê tha, Nguyễn Bá Dương không còn làm đệ tử của Lưu Linh nữa, ông rời lên trấn Sơn Tây trọ học trong nhà một hào trưởng, ngày đêm chăm lo đèn sách. Cũng vì nghèo không đủ tiền mua giấy viết, nhiều lúc Bá Dương dùng luôn cả ghế mà đề văn.
Nhờ siêng năng ôn luyện nên chữ thánh hiền Bá Dương đều biết, kinh sử thuộc làu. Đến kỳ thi Hương Nguyễn Bá Dương ứng thí, đỗ Hương tiến (tức Cử nhân). Tiếp đến khoa thi Hội Bính Tuất (1766) đời vua Lê Hiển Tông, Bá Dương lại đỗ đệ Tam giáp đồng tiến sĩ. Thường thì khi đỗ như thế, các thí sinh trúng tuyển đều có kể hầu người hạ, võng lọng xênh xang, nhưng vì nghèo nên Nguyễn Bá Dương không được như các tân khoa, nhưng chẳng vì thế mà ông buồn.
Lúc ấy, danh tiếng của ông được nhiều người chốn kinh kỳ biết đến. Có bà quận chúa con chúa Trịnh biết tin ông đỗ, liền lệnh sai người đem kiệu đến đón, lại đưa mấy nàng thiếu nữ là con và cháu gái ra tùy nghi cho xem mặt, ưng ai cho kết duyên người ấy. Lúc này, Nguyễn Bá Dương vẫn còn nhớ đến cô gái kẻ Mơ giúp mình thuở trước, bèn nói với quận chúa:
- Xin quận chúa thứ tội, kẻ bần hàn này chỉ muốn kết duyên với cô bán rượu kẻ Mơ thôi! Không dám vì được vinh hoa phú quý mà phụ nghĩa khi xưa.
Tác thành mãi không được, quận chúa đành thuận lòng, cho người về đất Hoàng Mai đón cô bán rượu kẻ Mơ ra làm vợ chính của Bá Dương, còn một cô cháu gái quận chúa được làm vợ thứ. Kẻ sĩ, hạ dân trong kinh thành Thăng Long biết việc, ai cũng khen Nguyễn Bá Dương nên cùng nhau tán tụng vui rằng:
Thiếu “kim văn” đỗ tiến sĩ
Mất “chín tiền” được... Bà Nghè!
Xử án tình không hỏng lương tâm
Đỗ tiến sĩ, Nguyễn Bá Dương được lưu lại kinh sư Thăng Long bổ dụng làm quan. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm trọng văn tài của ông, cho làm Hàn lâm viện đại chế, Tế tửu Quốc tử giám. Truyền rằng, dù làm quan to, nhưng Nguyễn Bá Dương không vì thế mà tư lợi, tham ô nhũng lạm nhân dân, bởi thế ông rất được chúa Trịnh Sâm nể vì, trọng dụng.
Lúc bấy giờ, chúa Trịnh Sâm mê đắm và sủng ái sắc đẹp của chính cung là Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nên Tuyên phi muốn gì, chúa cũng đều y theo. Được thể, Tuyên phi để cho họ hàng, tay chân của mình làm những việc lộng càn trong phủ chúa, cung vua mà chẳng sợ ai bắt bẻ, như để cho em trai Đặng Mậu Lân là kẻ dâm dật, hung bạo chém chết cả Sử trung hầu mà chẳng trị tội, hay tằng tịu cả với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo đến nỗi dân gian phải than rằng: “Trăm quan có mắt như mù. Để cho Huy Quận vào sờ chính cung”. Các quan viên trong phủ chúa dù biết những việc làm ngang ngược của Thị Huệ cùng vây cánh nhưng không ai dám hé răng nửa lời. Bè lũ nhà Tuyên phi càng được thể làm càn.
Dạo ấy, Nguyễn Bá Dương được giao cho giữ việc hình án ở Ái châu, tức Thanh Hóa ngày nay. Có tên án trấn là Mỗ (theo Công dư tiệp ký của tiến sĩ Vũ Phương Đề) chuyên coi việc kiện tụng, là vây cánh của Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên lấy việc xét xử để tham nhũng tiền của các đương sự. Khi đến Ái châu, chứng kiến hành động ăn của đút ngang nhiên của tên Mỗ, Bá Dương thẳng tay, ra lệnh cho bắt trói hắn lại, bảo phải nộp lại số tiền đã ăn hối lộ bấy lâu, nếu không sẽ nọc ra đánh trượng cho đến chết. Tên Mỗ sợ quá, phải nộp số tiền đã tham ô là bốn trăm lạng vàng. Chứng cứ phạm tội đã rõ như ban ngày, ông cho người bỏ ngục tên tay chân của chính cung, rồi lệnh giải hắn về kinh cùng với số vàng để chúa xét xử.
Về đến Thăng Long, Nguyễn Bá Dương cứ thực tình tâu lên với chúa Trịnh Sâm. Khi tờ khải được đưa đến chúa Trịnh, thì việc của tên Mỗ cũng được tay chân ton hót ngay lại với Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tức vì Mỗ bị Nguyễn Bá Dương làm nhục, cũng là gián tiếp đụng đến danh dự, uy thế của bản thân, Tuyên phi liền vào ngay trong phủ, lấy nước mắt đàn bà mà kêu khóc với Trịnh Sâm rằng, tên Mỗ bị oan tình, ức hiếp. Nhưng khổ nỗi, chứng cứ rành rành ra đấy làm sao chối tội được. Chúa Trịnh Sâm dù sủng ái chính cung lắm, nhưng cũng phải lắc đầu mà chỉ vào bốn trăm lạng vàng đang để trên khay rồi nói:
- Nàng nhìn xem, số vàng hắn ăn của đút hiện có đây, vậy còn oan ức gì nữa mà kêu với xin.
Nhìn khay vàng, Đặng Thị Huệ chỉ còn biết cứng họng mặt đỏ như gấc chín vì xấu hổ, không bào chữa được lời nào cho kẻ tay chân. Tên Mỗ hết người cứu giúp nên phải chịu tội theo luật định. Sau việc đó, dân chúng vui mừng khôn xiết vì Bá Dương trừng trị được tên quan tham. Còn Tuyên phi họ Đặng thì mãi nuôi mối hận với ông trong lòng.