Ly kỳ điềm báo mệnh đế của Lý Thái Tông

Google News

(Kiến Thức) - Khi vua mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng khác... Có người giỏi chiêm nghiệm nói rằng: “Đó là điềm đổi mới"...

Đã là vua cai quản muôn dân, trăm họ, thì không chỉ có vương quyền của ngai vàng cao tột bậc, mà còn có cả thần quyền cho xứng với danh “thiên tử” (con trời). Bởi vậy nên gần như vị đế vương nào ở cõi Nam ta cũng có dăm ba huyền tích vây quanh. Hoàng đế Lý Thái Tông của nhà Hậu Lý cũng không phải ngoại lệ. Xung quanh mệnh đế vương của ông, có vài điều để nói.

Vua Lý Thái Tông có tên huý là Phật Mã, lại có một tên khác là Đức Chính, con trưởng của hoàng đế Lý Thái Tổ và Hoàng hậu họ Lê (có nhiều thuyết cho rằng Hoàng hậu là Lê Thị Phất Ngân). Thái Tông trị vì đất nước trong 27 năm, thọ 55 tuổi, được sử sách nhận xét: “Vua là người trầm mặc cơ mưu, biết trước mọi việc, giống như  Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông. Nhưng người quân tử còn lấy việc khoe khoang thái quá để chê trách vua chưa hiền” (Theo Đại Việt sử ký tiền biên).

 Tượng Lý Thái Tông.

Dù vậy, xét tổng thể, vua Lý Thái Tông là một bậc quân vương xứng với ngôi thiên tử, giúp cho dân cường, nước thịnh, góp phần tạo móng, xây nền cho nhà Hậu Lý trong thuở ban đầu mới lập. Khi tại vị, vua thể hiện tài năng của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nào là trong nghi lễ, có công định ra quy chế mũ áo cho quan lại được quy củ. Với kinh tế, lấy nghề nông tang làm gốc, quan tâm sản xuất bằng lệ cày ruộng tịch điền, hàng năm đi thăm việc cấy, gặt của dân. Lại khuếch trương ý thức tự lực, tự cường khi khuyến khích dân tự sản xuất vải vóc để dùng, đề cao hàng nội hóa. Về pháp chế, lại ra luật Hình thư để tiện việc xét án. Bang giao với Trung Hoa, vua tạo mối quan hệ giao hảo, bên trong trấn áp loạn giặc Nùng phản loạn… Đúng như lời tán tụng trong Đại Nam quốc sử diễn ca:

Ban hình luật, canh tịch điền,
Mở đồ nhất thống cầm quyền tứ chinh.
Mừng xem “Phiên phục, Nùng bình”,
Huy xưng có chữ rành rành biểu tiên.

Nhờ những việc làm ích nước lợi dân đó, ngai vàng nhà Lý được tạo lập vững chắc. Mà cái gốc cho ngôi chí tôn của Thái Tông, cũng đã có nhiều điềm báo từ lâu.

Trước hết, xét về cái sự sinh nở của Hoàng hậu Lê Thị, mẫu thân của Thái Tông. Theo sử cũ chép lại, Hoàng hậu Lê Thị sinh ra Phật Mã ở chùa Duyên Ninh, phủ Trường Yên (kinh đô Hoa Lư thời Tiền Lê) vào ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000), niên hiệu Ứng Thiên năm thứ bảy thời vua Lê Đại Hành trị vì. Trước đó theo tương truyền, bà Lê Thị khi ngủ nằm mơ thấy trăng sa vào bụng, từ ấy mà có mang Phật Mã. Lúc ấy Lý Thái Tổ đương làm quan nhà Tiền Lê tại kinh đô Hoa Lư. Sự có mặt trên đời của vị vua tương lai cũng có điềm báo rất lạ, được Đại Việt sử lược chép lại:

“Trước kia, khi vua được sinh ra ở phủ Trường An (hay Trường Yên, tức thuộc Ninh Bình nay – người dẫn), thì nhà dân ở trong phủ nuôi nhiều trâu bò, trâu bò thay sừng, có nhà bói toán nói rằng:

- Năm Sửu sinh người làm Thiên tử.

Nói thế rồi thôi không thấy đâu nữa. Sau thấy quả đúng là nhà vua vào năm Sửu thì sinh ra”. Đó là lời của Đại Việt sử lược, thực ra năm Sửu phải là năm 1001, tức theo can chi là năm Tân Sửu. Cũng tương tự, nhưng Đại Việt sử ký toàn thư lại lý giải thuyết phục hơn: “Khi vua mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng khác, người ấy cho là điềm không lành, lấy làm lo. Có người giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà ấy cười mà nói: “Đó là điềm đổi mới, can dự gì đến nhà anh”. Người ấy mới hết lo”.

 Trâu thay sừng liên quan tới điềm báo ra đời của Lý Phật Mã.

Khi được sinh ra, cái tướng mệnh của Lý Phật Mã cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Người xưa bảo nhìn dáng biết người, điều này quả nhiên đúng. Tương truyền, trên người của Thái tử Phật Mã có bảy nốt ruồi sau gáy trông giống như chòm sao thất tinh, tức chòm Sao Bắc Đẩu có bảy ngôi sao. Đây là chòm sao quý sáng nhất trong ranh giới của chòm sao Đại Hùng tại bán cầu Bắc. Bởi thế chòm sao Bắc Đẩu tượng trưng cho ngôi vua theo quan niệm của lý số đời xưa. Ngoài bảy nốt ruồi sau gáy ấy, Thiên Nam ngữ lục còn ghi:

Thái Tông thuở mẹ thấy điềm,
Rằng trăng bỗng chốc nửa đêm vào hoài.
Tự nhiên Thái hậu có thai,
Sinh ra Thái tử tốt tươi dị kỳ.
Dương nuôi khuya sớm vỗ về.
Tên là Phật Mã vỗ về hẳn hoi.
Rày vua Thượng đế để ngôi,
Vào đền nối trị ra tài bảo bang.
Dị hình chẳng có vẻ vang,
Theo phép Ngu Đường, trị sánh Thương Chu.

Điều lạ này, trong Việt sử diễn âm cũng có đôi dòng chứng cứ:

Mẹ xưa thấy nguyệt trong lòng,
Sinh ra có tướng lạ lùng tốt thay.

Hẳn cái tướng “tốt tươi dị kỳ”, “dị hình”, “lạ lùng tốt thay” ấy của Lý Phật Mã không đâu khác là tướng mạo của một bậc minh quân tương lai.

Không chỉ điềm báo mệnh đế một mai thể hiện ở lúc sinh, ở tướng mạo. Mà ngay trong đời sống thường ngày, Thái tử Lý Phật Mã cũng tỏ rõ hào khí của một bậc tu mi, của một đấng kim thượng thuở tiềm để (lúc chưa làm vua). Khi Lý Phật Mã còn nhỏ, thường cùng bọn trẻ con cùng lứa chơi đùa, có thể sai bảo được chúng, bắt chúng đi dàn hầu trước sau và hai bên như nghi vệ các quan theo hầu vua. Trường hợp này giống Đinh Bộ Lĩnh xưa hay được bạn chăn trâu công kênh làm kiệu vậy. Vua Lý Thái Tổ bấy giờ đang làm Điện tiền chỉ huy sứ của nhà Tiền Lê dưới thời Lê Ngọa Triều, thấy con mình tỏ được cái uy dũng như thế, trong lòng lấy làm cảm động lắm, mới nhân nói đùa với Phật Mã để thử lòng con:

- Con nhà tướng nên bắt chước việc quân, cần gì phải kẻ rước người hầu?

Nghe cha dạy, Lý Phật Mã trả lời ngay rằng:

- Thưa phụ thân, kẻ rước người hầu thì có xa lạ gì với con nhà tướng? Nếu xa lạ thì sao ngôi vua không ở mãi họ Đinh mà lại về họ Lê, đều do mệnh trời cả đấy thôi ạ!

Lý Công Uẩn nghe con mình tuổi nhỏ mà nói lời chỉn chu, tỏ ra có chí khí của bậc quân vương nên lấy làm ngạc nhiên lắm, từ đấy càng yêu quý hơn. Để thử khí phách của con, Lý Công Uẩn liền ra một vế đối:

- Tý là chuột, canh hay gác, chuột gác nhà chuột.

Lý Phật Mã nghe xong, liền ứng tác ngay lời cha:

- Thìn tức rồng, mẫu nghĩa hợp, rồng rợp thềm rồng.

Nghe vế đối của con vừa chỉnh từng chữ một, mà khẩu khí thì đúng của một trang nam nhi chí lớn khôn cùng, trong lòng vị Điện tiền chỉ huy sứ họ Lý khấp khởi vui mừng. Nhưng vì đang làm quan dưới trướng Lê Ngọa Triều, sợ lời của con mà lộ ra cả gia tộc chắc không tránh khỏi họa sát thân nên Lý Công Uẩn dặn con phải cẩn trọng trong lời nói và hành động, tức phải “tiềm long” (rồng ẩn) để giữ mình.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm Kỷ Dậu (1009), liền sách phong Lý Phật Mã làm Đông cung thái tử, các con trai khác đều phong tước hầu, 13 người con gái đều gọi là công chúa. Với việc được phong Thái tử, nghiễm nhiên Lý Phật Mã đã được cha chỉ định làm vua tương lai của đất nước về sau. Đến năm Thuận Thiên thứ ba (1012), vua Lý Thái Tổ lại phong cho Đông cung Thái tử Phật Mã làm Khai Thiên Vương, cho ra ở cung Long Đức ở bên ngoài thành Thăng Long, với mong muốn Đông cung Thái tử biết việc dân gian để sau này truyền ngôi trị nước.

Lại nói, khi xưa cũng như ngày nay, trong quan niệm dân gian, có âm phải có dương, như trời gắn đất, nam sóng đôi cùng nữ. Có vua phải có vợ vua. Mà vua, hoàng hậu thường được biểu hiện qua hình tượng trong “tứ linh”. Vua đi liền với long (rồng), thể hiện dương tính, hoàng hậu gắn với “phượng” thể hiện âm tính. Thái tử Lý Phật Mã dù trước năm Mậu Thìn (1028) chưa lên ngôi, nhưng khí lượng thiên tử đã vây quanh từ lâu. Thế nên mới có chuyện Thái tử có duyên gặp được rồng vàng. Tháng 12 năm Canh Thân (1020) niên hiệu Thuận Thiên thứ mười một, vua Lý Thái Tổ cho Khai Thiên Vương Phật Mã làm Nguyên soái đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính. Đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ (nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có rồng vàng hiện ở thuyền ngự, chỉ một mình vua đỡ lấy con rồng. Chuyến đi ấy Khai Thiên Vương Phật Mã đánh tan quân Chiêm, bắt được tướng đem về. Ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Mão (1027), Thái tử Phật Mã lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế. Đêm ấy có ánh sáng khắp trong quán. Tuệ Long kinh ngạc dậy xem thì thấy rồng vàng hiện ở mắc áo ngự mà Thái tử đã ban cho. Hai sự kiện ấy, được Đại Việt sử ký toàn thư bình là: “Các việc ấy đều là mệnh trời, đến đây đều thấy phù hợp cả”.

Đến khi vua Thái Tổ băng hà tại điện Long An thuộc Thăng Long ngày Mậu Tuất, tháng 3, năm Mậu Thìn (1028), theo di chiếu Thái tử Phật Mã sẽ kế vị ngai vàng. Lúc ấy, các quan lại đều vào cung Long Đức nơi Thái tử ở xin thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh Lực, Dực Thánh và Vũ Đức Vương nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành hòng cướp ngai vàng của anh.

Tuy nhiên, sống chết có số, mệnh trời đã định, ngôi thiên tử của Lý Phật Mã được định sẵn từ bao lâu nay rồi. Vì vậy dù có biến, nhưng ngai vàng của Lý Thái Tông cũng không bị lung lay, nghiêng ngả. Bởi chăng, ngôi vị thiên tử của ông, trời - người đều đã định sẵn cả rồi nên dù có loạn tam vương cũng vẫn vững như bàn thạch. Cha đã di chiếu cho làm vua kế vị, quần thần đứng đầu là Lê Phụng Hiểu nhất loạt theo về bảo vệ. Trước đó, thần Đồng Cổ đã báo mộng cho vua việc biến loạn để chủ động đối phó. Nên loạn tam vương mới nổi thì Vũ Đức Vương rơi đầu, còn Đông Chinh và Dực Thánh đều lê gối chịu trói:

Chiêm bao thấy có thần nay bảo rằng:
“Vũ Đức, Dực Thánh nhị vương,
Có quân đã phục ngoài chưng cửa thành”.
Thức liền vua gẫm được tình,
Sai người ra xét thấy quân đã hồng.
Như lời bảo vậy làm xong,
Vua sai Phụng Hiểu trục không tồi tàn.
(Trích Việt sử diễn âm)

Những điềm báo liên quan tới mệnh đế vương của Lý Phật Mã - Lý Thái Tông được cho là mệnh trời, đến đây đều thấy phù hợp cả. Vua bẩm tính nhân từ, sáng suốt dĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ, còn như lục nghệ lễ nhạc, ngự xạ, thư số… không môn gì là không tinh thông am tường, xứng đáng ở ngôi thiên tử, là người chăm sóc muôn dân. Mệnh đế vương của Lý Thái Tông được xác lập, thật quả đáng cho dân Nam được nương nhờ, như lời tán của Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận: “Thái Tông trí dũng gồm hai, đánh đâu được đấy; có đức hiếu hữu, học tập lễ nhạc, dẹp giặc, bình man, cày tịch điền, khuyến việc nông, thân oan có chuông, hình chế có luật, là một bậc vua giỏi giữ nền nếp vậy”.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Trần Đình Ba

Bình luận(0)