Tình cảm của công chúa Ngọc Hân với Nguyễn Huệ đã được ghi lại trong sử liệu và các áng văn thơ của công chúa nhà Lê. Thế nhưng, lại có người cho rằng công chúa Ngọc Hân là người gây ra cái chết cho Nguyễn Huệ.
Nghi án này được ông Nguyễn Thượng Khánh nêu ra trên tạp chí Phổ Thông, xuất bản ở Sài Gòn. Thậm chí, ông còn làm một hơi 4 kỳ từ số 62 đến 65, xuất bản khoảng tháng 8 và 9 năm 1961 với đầu đề gây sốc “Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa”.
|
Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung (Lý Hùng và Thùy Lâm thủ vai) trong phim Tây Sơn hào kiệt. Ảnh minh họa. |
Cơ sở để ông Khánh dựa vào cho "phát hiện" này là gia phả để lại được coi là "sử liệu thầm kín". Ông Khánh cho biết mình không phải là người họ Nguyễn mà là hậu duệ của phái Lê Duy Mật nhưng phải đổi họ dưới thời nhà Nguyễn.
Trong lịch sử, Lê Duy Mật là con của vua Lê Dụ Tông. Do bất mãn với chúa Trịnh Giang chuyên quyền, Lê Duy Mật định làm binh biến nhưng việc bại lộ phải trốn vào Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, Lê Duy Mật dựng cờ khởi nghĩa. Sau bị một tướng làm phản mở cửa thành hàng quân Trịnh, Lê Duy Mật tụ tập hết cả vợ con đốt lửa tự thiêu.
Ông Khánh viết trên tạp chí Phổ Thông bằng lời mở đầu ấn tượng: “Đêm nay, dưới ngọn đèn 60 nến trên căn gác trọ tồi tàn, lọt vào giữa đô thành đầy ánh sáng của miền Nam, tôi mê say viết lên đấy một trang sử liệu mà từ xưa đến nay không ai biết, để các sử gia đương thời tham khảo về cái chết của vua Quang Trung trong một phút hờn ghen mà gây nên.
Theo ông Khánh, công chúa Ngọc Hân đã đầu độc vua Quang Trung sau khi nghe tin vua cầu hôn với con vua Càn Long nhà Thanh. Động cơ cho việc đầu độc này được ông Khánh tả là vì ghen và vì vận mệnh đất nước.
Vì ghen thì ông viết: “Trong phút uất ức và cuồng trí, Ngọc Hân nhất định giết Nguyễn Huệ’ hay “Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho Quang Trung uống”. Ông còn tả “Vua Quang Trung tiến vào hậu cung dùng cơm. Nhà vua vui mừng quá, không thấy có sự gì thay đổi trên mặt của Ngọc Hân. Vương hân hoan nâng chén rượu lên môi và uống cạn một hơi, không dè Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc trong đó. Liền sau đó, Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dở bữa cơm, tiến lại, ngã lưng trên long sàng và giãy dụa một lúc rồi tắt thở luôn”.
Còn động cơ vì nước thì ông viết: “Ngọc Hân công chúa thấy cái viễn cảnh đe dọa đến Tổ quốc, qua cái hành động của vua Quang Trung cầu hôn với con gái của vua Càn Long đã được chấp thuận”…
“Ngọc Hân thấy nếu công chúa con vua Càn Lông làm hoàng hậu nước Việt Nam chắc phải sẽ sinh con. Nếu sinh con trai, chắc hoàng tử ấy phải là người kế nghiệp cho vua Quang Trung sau này, mà khi được kế nghiệp biết đâu kẻ đó lại không dâng tổ quốc cho quê mẹ”.
Sau khi bài của ông Khánh xuất bản thì nó vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các học giả và cả con cháu của dòng dõi Lê Duy Mật. Về sử liệu thì các học giả đều khẳng định vua Quang Trung chết vì bệnh.
Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà". Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: "Vua Quang Trung mất vào năm Nhâm Tý" (1792). Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà".
Hậu duệ của Lê Duy Mật cũng cho rằng ông Khánh nói vô căn cứ.Ông Võ Thành Sơn ở Đà Nẵng là rể của dòng dõi của Lê Duy Mật (gọi Lê Duy Mật là viễn tổ) cho biết nhà thờ họ của ông vẫn còn nhiều tộc phả nhưng không hề có điều nào viết như ông Khánh.
Khi bị dư luận chất vấn về tính xác thực trong những tuyên bố trên tạp chí Phổ Thông, ông Khánh phải bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng tìm đến thân tộc của mình để lấy tộc phả. Thời đó còn lập một hội đồng để thẩm định tính chính xác của gia phả mà ông Khánh đưa ra.
Cuối cùng, ông Khánh không đưa ra được chứng cứ xác thực cho những điều mà ông tuyên bố. Người ta có quyền ngờ rằng ông nêu chuyện này lên chỉ để tạo sự giật gân trên mặt báo Sài Gòn thập niên 60.
Nhưng công chúa Ngọc Hân không chỉ bị đơm đặt bởi những câu chuyện đầy thị phi như vậy mà còn bị đồn là yêu vua Gia Long.
(Kỳ tới: Sự thật về chuyện tình Ngọc Hân – Gia Long)