Hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung (6)

Google News

(Kiến Thức) - "Nguyễn Huệ đã cho xây thành Phượng Hoàng trên vùng đất giữa núi Con Mèo và núi Quyết, phía dưới là lăng mộ vua là hoàn toàn có căn cứ".



Sau khi đăng tải loạt bài về hành trình tìm mộ Hoàng đế Quang Trung, tòa soạn đã nhận được những ý kiến xoay quanh vấn đề mộ Hoàng đế Quang Trung còn hay mất, nếu còn thì hiện đang ở đâu? Bài viết của ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh - Nghệ An, Trưởng nhóm tìm kiếm mộ vua Quang Trung khẳng định có đủ căn cứ xác định mộ vua Quang Trung tại Nghệ An.

Trước hết phải khẳng định, vua Quang Trung rất nặng tình nghĩa với quê cha đất tổ Nghệ An. Lịch sử đã ghi chép tỉ mỉ những lần hành quân phò Lê, diệt Trịnh và đánh đuổi giặc Mãn Thanh, Nguyễn Huệ đã dừng chân tại Nghệ An. Đặc biệt, trong cuộc đại phá quân Thanh ở Thăng Long, Quang Trung đã chiêu tập hơn 1 vạn trai tráng của Nghệ An gia nhập vào đạo quân chính. 

Cuộc tập trận và duyệt binh lớn của hơn 10 vạn người trước khi xuất quân ra Bắc cũng diễn ra tại đây chứng tỏ vua Quang Trung rất gắn bó với quê hương xứ Nghệ. Việc ông cho xây thành Phượng Hoàng Trung Đô tại Nghệ An là một minh chứng rõ rệt về tình cảm đó. Ông cũng cho lập Sùng Chính viện tại Nghệ An để mở mang dân trí, đào tạo nhân tài. 

Câu hỏi về việc xây lăng mộ

Tôi đồng tình với ý kiến của nhà Khảo cổ Đỗ Đình Truật tại Hội thảo "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô" tổ chức tại TP Vinh ngày 31/5/2011. Ông cho rằng, vùng đất núi Dũng Quyết địa linh hội đủ tứ linh. Nơi đây vừa có sông, vừa có núi, là nơi đắc địa hiếm có trong trời đất nên Nguyễn Huệ đã cho xây thành Phượng Hoàng trên vùng đất giữa núi Con Mèo và núi Quyết, phía dưới là lăng mộ vua là hoàn toàn có căn cứ.

Thời điểm quyết định xây mộ là năm 1786, sau khi dẹp tan quân Trịnh và được vua Lê Hiển Tông ban tặng Ngọc Hân công chúa và đất Nghệ An. Sau 2 năm Quang Trung quyết định xây Phượng Hoàng Trung Đô, nhờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thiết kế và giao cho Trấn thủ Thận thi hành. Khi mọi việc đi vào ổn định, Quang Trung đã chuyển ông Thận sang công việc khác và đưa Trần Quang Diệu là tướng thân tín nhất về thay thế. Phải chăng, đây là giai đoạn thực thi một công việc hết sức bí mật (xây mộ) nên phải đưa người thực sự tin tưởng đảm nhiệm?

Trong thời gian 4 năm khẩn trương (1788 - 1792), công việc xây thành và xây mộ cơ bản hoàn thành. Trong các tài liệu lịch sử hiện có mô tả thành Phượng Hoàng được xây thành 2 lớp. Thành ngoại có chu vi 2.820m, rộng 20ha, thành nội có chu vi 1.600m. Trong thành nội có điện Thái Hòa, có Lầu rồng 3 tầng, có nơi thiết triều. Năm 1998, nhân kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh, TP Vinh đã cho xây dựng Bia dẫn tích thành Phượng Hoàng. Rất tình cờ, khu vực chúng tôi đào móng đúng vào vị trí thành xưa, những viên gạch đá ong xây thành vẫn còn nguyên rõ. 

Nhiều nhà khoa học khẳng định, mộ thật của Hoàng đế Quang Trung đặt tại
chân núi Quyết. 

Khẳng định vua Quang Trung mất mộ là... vội

Khi Hoàng đế Quang Trung băng hà, tướng Trần Quang Diệu đã cho lùi phát tang ba tháng. Thời gian này "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường bộ, đường biển đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Ba tháng ấy đủ cho quần thần Tây Sơn xây lăng mộ giả ở Phú Xuân và cho người cháu Phạm Công Trị đã từng đóng giả vua đi sứ nhà Thanh chết và chôn ở đó. Thi hài của Quang Trung được đưa ra Bắc theo đường biển vào Cửa Hội ngược sông Lam vào sông Vinh rồi bí mật đưa lên bộ (từ bến đò đến Thành nội khoảng 200m), khơi nắp đút quan tài vào mộ đã xây sẵn và hạ xuống đúng độ sâu cần thiết.

Mười năm sau (1802), khi Nguyễn Ánh chiếm lại thành Phú Xuân, với sự căm phẫn tột độ đã cho lính tàn sát người sống và quật mộ người chết của những ai có liên quan đến triều đại Tây Sơn để trả thù. Ngôi mộ được gọi là mộ Quang Trung bị quật lên, trong mộ cũng có một bộ hài cốt hao hao giống Quang Trung cùng với đồ tế khí trong quan tài. Nguyễn Ánh cho chặt đầu bỏ vào vò giam ngục tối, xương cốt còn lại đốt thành than trộn thuốc súng bắn ra biển. Khi đó chưa có thử ADN nên không thể khẳng định đó là hài cốt Quang Trung. Cho nên, việc khẳng định vua Quang Trung không còn mộ là quá vội vàng.

Cách đây vài ba chục năm, sau ngày đất nước hoà bình, các nhà khoa học mới lần giở lại những điều mà lịch sử viết chưa thỏa đáng về Hoàng đế Quang Trung và bắt đầu đi tìm sự thật về nơi an nghỉ của ông. Cũng đã có những người tâm huyết tìm kiếm nhiều năm ở phía Nam và cho rằng họ đã tìm được mộ Hoàng đế Quang Trung ở Lăng Ba Vành, Cung Đan Dương, phía Nam sông Hương... 

Ông Nguyễn Hữu Bản. 

Trùng khớp tâm linh

Đến năm 2005, đền thờ Hoàng đế Quang Trung được khởi dựng ở đỉnh núi Quyết, năm 2008 khánh thành. Đến giữa tháng 12/2010, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư ở Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA được Hoàng đế Quang Trung báo mộng về phần mộ ở thành Phượng Hoàng.

Cùng với những cảm nhận của các nhà ngoại cảm, những hiện tượng tâm linh cần được nghiên cứu như xuất hiện ánh hào quang trên nóc đền thờ Quang Trung. Trong một dịp lễ, có người đã chụp được bức ảnh ánh hào quang tỏa sáng trên nóc đền. Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Nguyễn Huy Toàn đã cung cấp bức ảnh này cho các nhà khoa học.

Thứ hai là sự xuất hiện Phượng Hoàng bay: Trước hội thảo, nhóm tìm kiếm đã mời tổ máy Địa - Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội về khảo sát tại khu vực thành. Qua nhiều lần vận hành, khi vừa phát hiện vật lạ ở dưới tầng đất thì máy bị hỏng. Sau đó phải mời một số con cháu họ Hồ ở TP Vinh đến làm thắp hương thì máy mới tiếp tục hoạt động. Khi phát hiện được một số vật ở độ sâu 5 - 6m thì đột nhiên trên bầu trời xuất hiện đám mây tụ hình chim phượng hoàng ở tư thế chúi đầu xuống, 2 cánh giang ra. Các nhà ngoại cảm cho rằng, đây là sự linh ứng thiêng liêng mà vua Quang Trung cho biết.

Hoàng đế Quang Trung là một nhà quân sự kiệt xuất, ông có rất nhiều mưu lược, kể cả việc chọn nơi an nghỉ của mình. Nhiều nhà khoa học đều khẳng định, vua không thể để Nguyễn Ánh quật mộ mình một cách đơn giản như vậy. Từ những mối liên hệ lịch sử và những cảm nhận của các nhà ngoại cảm cùng kết quả khảo sát bước đầu của các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội, cho phép chúng ta được hy vọng Hoàng đế Quang Trung đang an nghỉ tại thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Hội thảo "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô" đã ghi nhận thành Phượng Hoàng là một di tích cần phục dựng. Đồng thời cần khảo sát kỹ hơn và tiếp tục xác định lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An để đi đến một kết luận cuối cùng, chấm dứt những hoài nghi về việc nhà Nguyễn quật mộ thật của Hoàng đế Quang Trung.

"Từ những dẫn chứng lịch sử cũng như qua quá trình khảo sát thực tiễn về lăng mộ vua Quang Trung đang mở ra một lối đi tích cực. Vì vậy, cần sớm có sự vào cuộc chuyên sâu và đồng bộ của các nhà khoa học. Trên tinh thần học thuật và ý thức trách nhiệm, chúng ta có cơ hội cùng nhau giải mã về lăng mộ Quang Trung Hoàng đế".
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

Nguyễn Hữu Bản (nguyên Bí thư Thành ủy Vinh - Nghệ An, Trưởng nhóm tìm kiếm mộ vua Quang Trung)

Bình luận(0)