Khi nhóm tìm kiếm mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An chưa tiến hành thì việc "cổ rùa" ở núi Quyết bị chặt đứt để làm đường chỉ là điều bình thường theo quy hoạch giao thông đô thị. Thế nhưng, khi bắt tay vào việc tìm kiếm lăng mộ quanh thành Phượng Hoàng Trung Đô thì nhiều nhà khoa học cũng như các chuyên gia phong thủy đã tá hỏa thương tiếc cho một ngọn núi thiêng không còn giữ được thế long mạch.
|
Các nhà khoa học xác định mộ vua Quang Trung bên đầu rùa dưới
bia Dẫn Tích. |
Đất "long mạch"
Nhiều nhà phong thủy của Việt Nam lẫn nước ngoài khi đến TP Vinh (Nghệ An) đều dễ dàng nhận ra ngọn núi Quyết linh thiêng và độc đáo. Cả một dải đất bằng phẳng nhô lên một ngọn núi cao, phía bên kia tức tỉnh Hà Tĩnh nhô lên 99 ngọn núi cao khác cách biệt bởi dòng sông Lam.
Truyền thuyết kể rằng, có 100 con chim phượng hoàng bay trên bầu trời. 99 con bay trước và đậu bên kia bờ sông Lam chờ đợi con thứ 100. Thế nhưng, chờ mãi mà không thấy đã khiến 99 con phượng hoàng hoá thành 99 ngọn Hồng Lĩnh. Chim phượng hoàng thứ 100 hoá thành núi Dũng Quyết phía bên này sông Lam nên núi Dũng Quyết có hình dáng giống như chim phượng hoàng.
Đặc biệt, núi hội đủ tứ linh là long - ly - quy - phượng ở 4 hướng. Ở phía Tây là mỏm núi hình rồng, tại đây còn có một đền Rồng toạ lạc. Vòng theo hướng Nam giáp sông Vinh là núi con mèo, người dân còn quen gọi là Rú Mèo. Vòng theo dòng sông Vinh xuống phía Đông là mỏm núi con rùa. Đi sang hướng Bắc (tức khu vực quốc lộ 1A) là mỏm núi con phượng.
Theo sử sách ghi lại, sở dĩ Hoàng đế Quang Trung muốn chọn núi Quyết để xây thành Phượng Hoàng Trung Đô ngoài lý do quê quán, còn được sự tham mưu của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Nguyễn Thiếp là người giỏi phong thủy nên ông nhanh chóng nhận biết "long mạch" chính ở ngọn núi Quyết. Vì thế, việc xây thành được tiến hành. "Hiện nay, cấu trúc thành Phượng Hoàng Trung Đô không còn nữa, nhưng những ghi chép của các bộ sách sử và kết quả khảo sát trên hiện trường cho phép chúng ta đoán định thành Phượng Hoàng ở núi Quyết ngoảnh mặt về hướng Nam", PGS.TS sử học Nguyễn Quang Hồng cho biết.
|
Cần khai quật thành Phượng Hoàng Trung Đô để xác định quy mô. |
Chặt đứt "cổ rùa"
Tuy nhiên, núi Dũng Quyết với long - ly - quy - phượng đã bị mất thế tứ linh, "long mạch" bị đứt từ khi con đường lớn từ Bến Thủy đi huyện Hưng Nguyên được khởi công. Để làm được con đường này đoạn qua núi Quyết, người ta đã phải xẻ đôi mỏm núi phía đông để thi công. Tuy nhiên, không ai biết hành động xẻ núi đơn thuần này đã phạm vào long mạch làm "cổ rùa" bị đứt.
Ngay khi dự án đang thi công, đã có nhà phong thủy đi qua và nhận ra "long mạch" núi Dũng Quyết bị hủy vì chặt đứt mỏm núi rùa. Đồng thời, thầy phong thủy này cũng nêu ra những cảnh báo nhưng lúc ấy, chẳng mấy ai để ý. Cho đến mãi khi thi công xong, con đường đi vào hoạt động, nhiều người mới nhận ra lời cảnh báo ấy là sự thật.
Theo một số người dân địa phương, khu vực đường đi chỗ "cổ rùa" rất hay xảy ra tai nạn. Có những người đang đi trên đường, không va chạm với các phương tiện khác cũng bỗng dưng ngã xe phải vào viện. Thậm chí, người dân địa phương khu vực "cổ rùa" làm ăn, sinh sống cũng khó khăn, chậm phát triển hơn tất cả các vùng lân cận. Một số người liên quan đến dự án làm đường cũng gặp những tai ương bất trắc.
Ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh cho hay: "Đã từ lâu, người ta nhận ra việc bị hỏng "long mạch" vì chặt đứt "cổ rùa". Chính quyền địa phương cũng đã cho làm một cây cầu sắt trên cao nối lại cổ rùa, tuy nhiên tôi đã tham vấn ý kiến của nhiều nhà khoa học và cách làm này chỉ là tạm thời. Trước sau gì cũng phải "hàn long mạch" bằng cách mở con đường khác".
Ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch UBND phường Trung Đô cũng thừa nhận về sự chậm phát triển của khu vực "cổ rùa". Đồng thời, ông Huân cũng cho hay, ở khối 3 số người bị tâm thần cũng nhiều hơn tất cả các khối khác. Ông Huân đưa ra nhiều lý do để giải thích cho sự bất thường của khu vực này, tuy nhiên ông cũng phủ định những nguyên nhân mang tính tâm linh.
|
Mỏm con Mèo của núi Quyết bị cắt đứt để làm đường. |
Khai quật thành Phượng Hoàng?
Theo ông Nguyễn Hữu Bản: "Vị trí đặt mộ vua Quang Trung đã được đông đảo các nhà ngoại cảm cũng như các nhà khoa học công nhận dưới bia Dẫn Tích. Tuy nhiên, để kết quả thực sự được thoả mãn thì chúng ta cần phải khai quật toàn bộ thành Phượng Hoàng Trung Đô để xác định quy mô cũng như có những động tác để chứng minh phần mộ Hoàng đế".
Theo ông Bản, việc khai quật thành Phượng Hoàng Trung Đô là hết sức cần thiết. Bởi vì, khai quật thì mới xác định được thực hư và chỉ khi xác định được sự thật thì mới đủ căn cứ và cơ sở để công nhận thành Phượng Hoàng Trung Đô là di tích lịch sử.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong công văn số 4680 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến chỉ đạo phục hồi di tích Phượng Hoàng Trung Đô và tìm mộ Hoàng đế Quang Trung cũng rất thiết tha để nhanh chóng xúc tiến việc tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An.
"Việc xác định mộ thật của Hoàng đế Quang Trung tuy
rất khó nhưng lại rất đơn giản vì hiện nay chúng ta có các bị hiện đại
hỗ trợ xác định. Chúng tôi cũng đã tiếp tục đề nghị các ngành chức năng
cùng trường Đại học Quốc gia Hà Nội đưa máy khảo sát về phối hợp với các
nhà khảo cổ khai quật toàn bộ khu vực thành Phượng Hoàng Trung Đô để
sớm đi đến kết quả cuối cùng".
Ông Nguyễn Hữu Bản (nguyên Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng nhóm tìm kiếm mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An)
|
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU