Vua Quang Trung muốn dời đô ra Nghệ An và cho xây dựng thành Phượng
Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, thành xây dở dang thì vua Quang Trung đột
ngột qua đời. Sự gắn bó của ông với Phượng Hoàng Trung Đô là một trong
những căn cứ để nhóm tìm mộ coi đây là "điểm huyệt" chôn cất hài cốt
Hoàng đế Quang Trung.
Chọn quê xây thành
Theo các nhà sử học, Nguyễn Huệ vốn tên thật là Hồ Thơm. Tổ bốn đời của Nguyễn Huệ người làng Hương Cái, tổng Hải Đô (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Đó là ông Hồ Phi Long vào lập nghiệp ở phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam thời Thịnh Đức.
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái ghi: Ở ấp Tây Sơn có người họ Nguyễn tên Văn Nhạc tổ tiên nguyên là người Nghệ An. Khoảng năm Thịnh Đức, quân Nhà Nguyễn đánh ra Nghệ An, chiếm cứ được 7 huyện phía Nam sông Cả rồi dồn bắt tất cả dân cư đưa vào Nam cho sống ở vùng Tây Sơn. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc chuyến ấy cũng bị bắt vào trong đó.
Sách
Tư liệu về Tây Sơn - Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình do Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Nghĩa Bình ấn hành năm 1998 viết: Tổ tiên bốn đời của các thủ lĩnh Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vốn họ Hồ quê ở Nghệ An, khoảng giữa thế kỷ XVII bị quân Nguyễn bắt vào Đằng Trong.
|
Nhiều nhà khoa học khẳng định, thành Phượng Hoàng Trung Đô là nơi
chôn cất mộ thật của Hoàng đế. |
Theo di huấn của tổ tiên, Nguyễn Huệ dù xa quê vẫn một lòng nhớ về nơi đất Tổ. Vì vậy, theo các nhà khoa học việc vua Quang Trung chọn Nghệ An để xây thành Phượng Hoàng Trung Đô có một lý do lớn. Hơn nữa, trong thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ viết:
"... Nay Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghĩ rằng chỉ có đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về".
Theo PGS.TS sử học Nguyễn Quang Hồng, ngoài lý do chọn đất Tổ Nghệ An xây thành, vua Quang Trung còn muốn "cân" độ dài đi lại để dễ bề trị nước. Vì ở Nghệ An, ngoài đường núi và đường sông dễ dàng ngược xuôi Nam Bắc, lại còn đường biển và đường núi ở giữa các vùng, nếu có biến sẽ dễ dàng di chuyển quân đội.
|
Khu vực bia Dẫn Tích trước đây là điện Thái Hoà đã được triều đình
Tây Sơn xây dựng hoàn chỉnh. |
Địa linh núi Quyết
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Hồng, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp biết không thể chối ý định dời đô từ Phú Xuân về Nghệ An của Hoàng đế Quang Trung nên ông đã xuống núi, vận dụng hết khả năng phong thuỷ và chọn được vùng đất ở núi Dũng Quyết (nay thuộc phường Trung Đô, TP Vinh) để xây dựng kinh đô.
Núi Dũng Quyết còn có tên là núi Phượng Hoàng bởi thế núi trông giống con chim Phượng đang vỗ cánh bay ra biển lớn. Phía Tây Nam của núi lại có đền Hoàng Mười mà người xưa gọi là "Mỏ Hạc linh từ". Đứng trên đỉnh Dũng Quyết nhìn ra phía Nam là dãy Thiên Nhẫn trùng điệp chạy dài tạo thế vững chãi cho dải đất thiêng dọc đôi bờ tả - hữu ngạn sông Lam.
Vùng đất xây dựng thành Phượng Hoàng để thực hiện ý định dời đô của Hoàng đế Quang Trung từ Phú Xuân về Nghệ An nằm ở phía Nam núi Dũng Quyết, trong khoảng giữa núi Quyết và "Miêu Nhi Phong" mà người địa phương gọi là "Rú Con Mèo" hội đủ khí trời tạo thành thế "vinh sơn thủy tụ".
|
Núi Quyết, nơi được chọn làm thành Phượng Hoàng và khu lăng mộ bí mật
của vua Quang Trung. |
Sự dang dở của thành Trung Đô
Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí thì triều đình Tây Sơn đã xây dựng ở Nghệ An được một số công trình như đắp hoàn chỉnh thành đất xung quanh, xây dựng xong Lầu Rồng ba tầng, điện Thái Hòa và hai dãy hành lang rộng lớn: "Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu ba tầng cùng hai dãy hành lang, để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ".
Lịch sử cũng đã ghi nhận công cuộc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành thì vua Quang Trung đột ngột qua đời vào năm 1792. Trước khi nhắm mắt, vua Quang Trung còn cho triệu viên Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về kinh dặn rằng: "Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc táng làm qua loa mà thôi. Chúng ngươi nên giúp lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, chúng ngươi không có chỗ chôn thân".
Tuy nhiên, sau khi vua Quang Trung mất, việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đã bị gác lại. Vua con kế nhiệm Nguyễn Quang Toản không hề nhắc đến việc dời đô ra Nghệ An như ý nguyện của vua cha trước khi mất. Năm 1801, sau khi Phú Xuân thất thủ, triều đình Quang Toản đã kéo nhau ra Bắc Hà và đóng đô ở Thăng Long. Chuyện lạ xảy ra, Lầu Rồng ba tầng tự nhiên sụp đổ là điềm báo trước về sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn.
Việc Quang Toản không nhắc gì đến thành Phượng Hoàng, cũng được các sử gia và các nhà khoa học nhắc đến trong cuộc hội thảo tại TP Vinh ngày 31/5/2011. Có người cho rằng, việc không nhắc đến thành Phượng Hoàng là có lý do chính đáng. Vì thực chất việc xây thành tốn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, khu lăng mộ bí mật của vua Quang Trung dưới sự giám sát của tướng Trần Quang Diệu đã hoàn thành. Ngừng xây thành Phượng Hoàng là cách đánh lạc hướng những ánh mắt trung thành với triều đình nhà Nguyễn.
Nhiều nhà sử học trong hội thảo tại TP Vinh đã cho rằng: Sau 2 - 3 tháng Quang Trung băng hà mới phát tang. Thành Phú Xuân "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường sông đường biển đều bị kiểm soát. Đây là thời gian để tâm phúc vua Quang Trung đưa thi hài vua ra Nghệ An mai táng. Và người đóng giả vua Quang Trung để chết và an táng tại Phú Xuân chính là tướng Phạm Công Trị (người từng đóng giả vua Quang Trung đi sứ nhà Thanh).
"Nếu quả thực thi hài Hoàng đế Quang Trung đã được đưa ra khỏi Phú Xuân thì chỉ có Nghệ An vừa là quê cha đất tổ, vừa là kinh đô của vương triều, thế đất hiểm yếu, có thể khống chế thiên hạ, giữ được lâu dài, đủ yên tâm cho Hoàng đế nằm lại vĩnh viễn".
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) |