Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). 16 tuổi ông đã tham gia phong trào Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội và Thanh niên Cộng sản Đoàn.
Ông vào Đảng cộng sản Đông Dương năm 1930, hoạt động từ Cấp ủy xã, rồi lên huyện và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Từng bị giặc Pháp kết án tử hình, rồi chung thân khổ sai, sau 15 năm đầy ra Côn Đảo, ông trở về với Cách mạng và nhân dân từ xà lim máy chém và lại hoạt động ngay trong lòng địch. Liên tục giữ nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau như, Chính ủy tiền phương (trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử), Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ (Bộ Công An)... Tháng 6/1987, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII đã bầu ông giữ chức Chủ tịch HĐBT, (nay gọi là Thủ tướng ). Ông mất hồi 13g 35 phút ngày 10/3/1988 trong lúc đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
|
Đền thờ Phạm Hùng tại Vĩnh Long.
|
Do những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tăng cường đoàn kết quốc tế. Ông đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều huân chương cao quý khác của bạn bè Quốc tế. (3*)
Nhân kỷ niệm 102 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (11/6/1912 - 11/6/2014), trong bài viết này, Kiến Thức xin đề cập đến tấm gương mẫu mực của ông với vai trò là người con, người chồng, người cha trong gia đình.
Một lần chăm chút giấc ngủ cho mẹ
Tham gia cách mạng suốt 23 năm, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ nằm sâu trong một cánh đồng, tổ chức quyết định cho đón mẹ ông vào để ông được gặp (lần thứ 2 sau 23 năm). Đêm đã khuya, ông vẫn làm việc bên giường người mẹ ngủ, lâu lâu, ông lại kiểm tra quanh giường và chèn mép màn (mùng) vào mép chiếu để muỗi không chui vào. Ông muốn chăm chút nhiều với bà trong giấc ngủ bằng lòng kính trọng vô tận của mình (2*)
Người chồng, người cha mẫu mực
Người bạn đời yêu thương của ông tên thật là bà Huỳnh Ngọc Nỉ, xuất thân trong gia đình giàu có ở Châu Thành, Cần Thơ. Bà được giác ngộ và tham gia cách mạng lấy tên là Hoàng Thị Mai Khanh. Sau này, bà giải thích đó là cách nói lái tên chị Minh Khai, một nữ cộng sản kiên trung.
|
Gia đình ông Phạm Hùng tại Hà Nội năm 1967.
|
Bà từng nói với mọi người rằng, bà ngưỡng mộ Phạm Hùng vì trước đó được nghe kể về ông, một người kiên gan và rất dũng khí. Suốt 15 năm trong nhà tù đế quốc, ông trở lại với cách mạng và đồng bào từ xà lim, máy chém và giờ lại được làm vợ ông là niềm tự hào.
Khi ra Miền Bắc, bà từng làm cán bộ tuyên huấn của phụ nữ Trung ương, sống giản dị, không ỷ lại, có lần tiện đường bà đi nhờ xe ô tô chở ông, nhưng bảo lái xe đỗ cách cơ quan 500m để bà đi bộ tới vì ngại cơ quan nhìn thấy. Trong chiến tranh ác liệt phải đi sơ tán, một mình nuôi dạy 4 người con ( 2 trai, 2 gái) học giỏi và chăm ngoan.
Ngoài ra bà còn đỡ đầu 4 cháu khác là con cán bộ Miền Nam, rồi tự hào rằng, mình có 8 đứa con ngoan. Những người con của ông bà như anh Hưng, chị Hồng… đến bây giờ vẫn luôn tự hào về ba, về má mình. “Má rất khéo tay, tự cắt bộ đồ bà ba để mặc, má coi việc chăm sóc cho chồng, cho con là niềm hạnh phúc. Còn ba lại nhắc các con phải thương yêu má, vì má đã rất vất vả nuôi dậy các con, giúp ba an tâm công tác”, chị Hồng chia sẻ.
Chị Thủy về làm dâu năm 1983 kể lại: “Ngày cưới, ba không cho đốt pháo và không cho tổ chức tiệc tùng, có lần ăn cơm cùng với ông tại TP Hồ Chí Minh, lỡ tay làm vỡ tô cơm nóng, sợ và đứng khóc, nhưng ông đã cười đôn hậu bảo, có phải tại con đâu”, rồi ông bảo vào lấy suất cơm khác, nhưng hôm đấy chị thấy ông đã ăn cơm cháy…(1*)
Trong công việc, ông Phạm Hùng là trung tâm đoàn kết nội bộ, là vì ông luôn gương mẫu, cả trong việc công và việc tư. Ông hiên ngang trước kẻ thù, nhưng lại chân tình với bạn bè, đồng chí, cống hiến suốt cả cuộc đời vì Đảng vì dân với lòng tin và tính kỷ luật tuyệt đối. Trong gia đình ông là người chồng, người cha mẫu mực. Ông luôn gần gũi, giản dị và khiêm nhường, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn sống và làm việc bên ông vẫn gọi ông bằng cái tên như anh em trong nhà - anh Hai Hùng! Hơn một thế kỷ ông sinh ra và cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, tuy đã đi xa, nhưng phẩm chất người cách mạng chân chính Phạm Hùng vẫn vẹn nguyên và luôn mang tính thời sự rất cao.
----------------------------------------
(3*). Nội dung bài viết trên tác giả dẫn nguồn tư liệu tại cuốn "Chân dung người Cộng sản chân chính Phạm Hùng", Nhà xuất bản chính trị Quốc gia tháng 6 năm 2001.
(2*). Trích trong bài "Anh Hai của chúng tôi", do em trai Phạm Hùng là Phạm Văn Bính viết.
(1*). Trích tự truyện của con dâu ông Phạm Hùng, chị Thủy trong bài: "Ba không bao giờ nói về mình" và bài "Nghị lực nhân cách người bạn đời" của tác giả Kim Chi.