Hồ Công đại bại
Trước lực lượng hùng mạnh của quan quân nhà Hán cho tạm thời lui binh đợi thời cơ khởi sự. Các tướng lĩnh đều được lệnh tạm nghỉ về quê quán chờ ngày dùng đến. Công chúa tìm đường đến thăm người cậu ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) để bàn việc binh cơ. Tới nơi cậu cháu gặp nhau, cậu mời các gia thần hội bàn mưu kế. Mấy tháng sau công chúa tạm biệt cậu về mộ thêm binh sĩ. Trước lúc về, công chúa dặn cậu: "Ta nên đợi cho Trời ứng, người thuận, sẽ khởi sự, không vội gì. Việc nước cũng giống việc nhà không phải một chốc thành công được. Cậu nên cẩn thận, lúc ẩn, lúc hiện, đông tây tụ tán, chớ ở một nơi".
Về tới Ngọc Lâm (phủ Lạng Giang, Bắc Giang) được nhân dân đón mừng, công chúa truyền rằng: "Ta vì nước tới thăm cậu, giữa đường vào ngụ tại chùa Ngọc Lâm, đồng dân có lòng tốt đón mời, thực ta lấy làm cảm kích. Vậy xin nói rõ chân tình, để mong cùng nhau mưu cầu việc lớn. Hiện nay, bọn giặc Hán hoành hành, uy hiếp đồng bào, bổn phận làm dân nước ta phải lo tiêu diệt bọn giặc. Bấy lâu ta vẫn thề cùng quân Đông Hán không đội trời chung. Nếu đồng dân một lòng cộng tác thì xin cùng ta xây đồn, đắp luỹ, mộ quân sĩ, tích lương thảo để chờ ngày chiến đấu". Nhân dân đồng tâm xin theo, chỉ một tháng sau các tay anh hùng dũng sĩ các nơi đã về với công chúa.
Trước ngày khởi binh, công chúa truyền mổ bò, khao quân sĩ, rồi cử binh sang Ký Hợp cùng cậu lập đàn cầu khẩn đất trời. Cậu xưng là Nam Thành vương, cháu xưng là Thiên nữ, truyền hịch, nổi trống phất cờ thẳng tiến đánh quân Hán. Thái thú Hồ Công nhà Hán đem quân ra đánh, bị thua đại bại. Hồ Công mất vía chạy vào thành phủ, biểu tâu về vua Hán cho quân tiếp viện. Hán đế cử Tô Định đem quân sang Nam Việt, lĩnh chức Thái thú thay Hồ Công. Hồ Công tự đóng gông giải về nước.
|
Tranh minh họa. |
Tô Định phải trốn về thành
Tô Định vâng lệnh, thẳng đường tiến quân sang Nam Việt, chúng đi đến đâu đều tàn phá và cướp bóc tới đấy. Thánh Thiên công chúa được tin Tô Định kéo sang, bèn hiệu các đạo binh, lập đồn phòng thủ rồi lui về nguyên quán Hải Dương, thu thập binh mã phòng quân Hán. Công chúa về đến quê được vài hôm thì Tô Định kéo quân đến đánh. Nam Thành vương không chống nổi, bị tử trận. Tô Định sai chém đầu, treo cột cờ để thị uy. Biết tin cậu hy sinh, công chúa đau buồn, thề báo thù cho cậu, giết lũ hung tàn. Liên lạc các đồn Sơn Nam, Hải Dương, Ngọc Lâm, công chúa khao binh sĩ, thề một lòng chiến đấu đến cùng. Ba ngày sau Tô Định đem quân khiêu chiến. Công chúa cho xuất quân chỉ vài trận đã thắng quân Hán. Quân Hán bị giết, máu chảy đỏ một dòng sông Nhật Đức. Tô Định trốn thoát về thành, đóng cửa thành cố thủ.
Công chúa kéo quân sang Ký Hợp. Trong 3 năm, công chúa mộ thêm quân, tích thêm lương thảo. Nhân tài hưởng ứng, mỗi ngày theo một đông, uy thanh chấn động bốn phương. Quan quân nhà Hán không dám tới gần.
Tô Định là người bạo ngược, nhân dân đều oán giận. Năm Canh Tý (năm 40 SCN) Tô Định giết Thi Sách là một viên huyện lệnh, huyện Châu Diên (phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Yên) chém đầu đưa về Tàu. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị truyền hịch cáo dụ xa gần, mộ nam nữ chiến sĩ lập một đội quân tinh nhuệ.
Hai bà nghe tin tại huyện Yên Dũng có một công chúa lập trại ở xã Ngọc Lâm đắp đồn Ký Hợp, quân mạnh, tướng hùng đã nhiều phen làm cho quân Hán phải điêu đứng. Trưng Trắc sai sứ đến cầu, Thánh Thiên công chúa đón rước sứ giả, truyền hội quân sĩ rồi vui lòng dẫn quân theo sứ giả, trống dong cờ mở, hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm trang vào thành bái yết Hai Bà Trưng. Trưng Trắc thấy Thánh Thiên là người có tài mưu lược bèn phong làm Bình Tây đại tướng, ban cho kiếm long đao, cầm quân đánh giặc.
(Còn nữa)...